Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 192/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TU do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 192/KH-UBND
Ngày ban hành 12/10/2016
Ngày có hiệu lực 12/10/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Đức Chung
Lĩnh vực Bất động sản,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 192/KH-UBND

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TU NGÀY 15/9/2016 CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY

Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mc đích

a) Nhanh chóng đưa Nghị quyết vào thực tiễn, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực thi công vụ tại UBND cấp huyện và các Sở, ngành và kết quả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (sau đây gọi là GPMB) tại mỗi dự án;

b) Chuẩn bị đồng bộ cơ sở vật chất, cơ chế chính sách, các điều kiện về pháp lý và nhân lực để tổ chức thực hiện các dự án;

c) Đảm bảo tốt hơn lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi phải di chuyển, giải phóng mặt bằng;

d) Giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tại các dự án có quy mô thu hồi đất lớn, thời gian thực hiện kéo dài; hạn chế khiếu kiện khi tổ chức thực hiện công tác GPMB.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức triển khai thực hiện sâu, rộng, có hiệu quả Nghị quyết đến các cơ quan, tổ chức và trong việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác giải phóng mặt bằng;

b) Bám sát nội dung Nghị quyết, tuân thủ quy định của Luật đất đai 2013, Luật Thủ đô, các quy định, hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành và phù hợp với tình hình thực tiễn của Thủ đô;

c) Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện của cơ quan mình;

d) Việc tổ chức thực hiện công tác GPMB phải đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân; đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị thu hồi đất theo quy định; kịp thời giải quyết các thắc mắc, kiến nghị, khiếu kiện theo thẩm quyền và theo quy định. Xử lý kiên quyết các trường hợp không hợp tác, chây ỳ ảnh hưởng đến tiến độ GPMB.

đ) Quá trình thực hiện kế hoạch và xây dựng chính sách, trình tự thủ tục có lộ trình, không kéo dài, có đánh giá, rút kinh nghiệm để đảm bảo ổn định chính sách chung toàn Thành phố.

II. NỘI DUNG

1. Quán triệt Nghị quyết

a) Lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập hợp toàn bộ các văn bản pháp lý có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; nhận thức rõ, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trong công tác GPMB, trên cơ sở đó quán triệt thực hiện Nghị quyết, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ th;

b) Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân về dự án, chủ trương, chính sách pháp luật về GPMB của Nhà nước và nội dung của Nghị quyết.

2. Chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng

a) Hàng năm, căn cứ vào danh mục dự án thu hồi đất GPMB theo quy định của Luật Đất đai, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, lập và phê duyệt kế hoạch GPMB cấp huyện (cụ thể cho từng dự án, có sắp xếp thứ tự ưu tiên và tiến độ thực hiện, về các dự án dự kiến bổ sung kế hoạch trong năm); xác định rõ cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức thực hiện; phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân, báo cáo cấp ủy để được lãnh đạo, chỉ đạo; báo cáo Ủy ban Mặt trận Tquc cấp huyện để giám sát, phối hợp tuyên truyền, vận động.

b) Thủ trưởng các sở, ngành thường xuyên thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy đảng, phải theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đơn vị mình; thực hiện việc hướng dẫn, tháo gỡ giải quyết vướng mắc cho cơ sở theo thẩm quyền, kịp thời đề xuất báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.

c) Giao Ban chỉ đạo GPMB Thành phố chủ trì cùng các Sở, ngành xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác GPMB của cấp huyện, của các Sở, ngành liên quan; của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, báo cáo UBND Thành phố ban hành và tổ chức thực hiện trước ngày 30/10/2016.

3. Thực hiện việc nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp

a) Ban chỉ đạo GPMB Thành phố, các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình và phương pháp thực hiện trong việc xem xét khó khăn, vướng mắc, báo cáo, đề xuất tập thể lãnh đạo UBND Thành phố giải quyết trực tiếp, đảm bảo kịp thời, chính xác nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GPMB của Thành phố.

b) Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát lại quy trình và phương pháp thực hiện của địa phương, lấy tiến độ, hiệu quả, đúng pháp luật là phương châm chủ đạo. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác GPMB trên địa bàn, không được ủy quyền lại cho cấp phó.

c) Giao Sở Nội vụ chủ trì cùng Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã lập đề án tổ chức, sắp xếp lại Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố, Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất tại các quận, huyện, thị xã và Ban Bồi thường, GPMB các quận, huyện, thị xã, đảm bảo thống nhất đầu mối thực hiện với bộ máy gọn và hoạt động hiệu quả, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/10/2016.

d) Yêu cầu các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Cục Thuế thành phố Hà Nội phân công cán bộ lãnh đạo, bộ phận chuyên trách, cán bộ chuyên trách có năng lực, chuyên môn thực hiện công tác GPMB, đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Giám đốc các Sở, ngành phải thường xuyên nắm bắt công việc, nhiệm vụ của sở, ngành mình để kịp thời chỉ đạo, giải quyết.

[...]