Kế hoạch 192/KH-UBND năm 2023 nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Hưng Yên năm 2024

Số hiệu 192/KH-UBND
Ngày ban hành 26/12/2023
Ngày có hiệu lực 26/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Duy Hưng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 192/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 26 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG TỈNH HƯNG YÊN NĂM 2024

Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-CTUBND ngày 17/5/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Hưng Yên.

Nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) cấp tỉnh, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2024 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Chỉ thị số 06/CT-CTUBND ngày 17/5/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Hưng Yên, phấn đấu Chỉ số PAPI của tỉnh Hưng Yên năm 2024 tăng bậc so với năm 2023.

b) Phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp Nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách; nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với Nhân dân.

c) Xác định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Nhà nước, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong nỗ lực cải thiện Chỉ số PAPI.

2. Yêu cầu:

a) Kế hoạch được triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền; tập trung trọng điểm tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các sở, ban, ngành tỉnh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thị xã, thành phố; xác định cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của các cơ quan, đơn vị; đặc biệt là cấp huyện và cấp xã.

b) Tổ chức các hoạt động thực chất, hiệu quả; kết hợp với các nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính, dân vận chính quyền, xây dựng và thực hiện dân chủ sơ sở; linh hoạt trong quá trình thực hiện phù hợp với các điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, mỗi lĩnh vực.

c) Các cơ quan nhà nước phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, thực hiện tốt yêu cầu; thấu hiểu, chia sẻ và kịp thời giải quyết các vướng mắc, bức xúc của Nhân dân, của tổ chức và cá nhân; đánh giá đúng thực trạng, xây dựng Kế hoạch thực hiện các nội dung liên quan đến việc xác định Chỉ số PAPI của ngành, địa phương mình.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương gắn với các nội dung của Chỉ số PAPI, cụ thể:

1.1. Nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”:

a) Triển khai thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn về bầu cử; tuyên truyền, phổ biến thông tin về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Tổ chức thực hiện tốt công tác bầu cử các chức danh lãnh đạo, người đại diện của tổ chức... ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

b) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tập trung trọng tâm tuyên truyền đến người dân về những nội dung chính quyền phải công khai để người dân biết; nội dung người dân được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát và quyết định; nội dung người dân được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; nội dung người dân được quyền giám sát... phổ biến và mở rộng các kênh giao tiếp thông tin với người dân qua các hình thức ứng dụng trực tuyến, thư điện tử...

c) Tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, kiểm tra, giám sát các nội dung thuộc quyền của người dân. Đặc biệt, đối với những khoản đóng góp (xã hội từ thiện, xây dựng, sửa chữa công trình công cộng, xây dựng nông thôn mới...), đảm bảo nguyên tắc dân chủ, do người dân quyết định thực hiện và quyết định mức đóng góp; có giám sát của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hoặc Ban Thanh tra Nhân dân.

d) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở.

1.2. Nội dung “Công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách”:

a) Đẩy mạnh việc công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời các thông tin, số liệu thuộc phạm vi quản lý dưới nhiều hình thức truyền thông, mạng xã hội để người dân thuận tiện trong việc tra cứu và sử dụng thông tin theo quy định; công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; thường xuyên tổ chức các cuộc gặp tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để lấy ý kiến tham gia vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước tại địa phương.

b) Thực hiện điều tra, rà soát, bình xét và công nhận đối tượng hộ nghèo hằng năm theo đúng quy định, hướng dẫn của tỉnh; thực hiện công khai danh sách hộ nghèo tại trụ sở UBND cấp xã, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố, khu dân cư... đảm bảo quy định về thời gian công khai, nội dung công khai, địa điểm công khai. Công khai kịp thời những thông tin về chính sách xã hội cho người nghèo để Nhân dân biết, Nhân dân bàn, giám sát thực hiện.

c) Thực hiện đúng, đủ quy định về công khai, minh bạch thu chi ngân sách cấp xã. Bảo đảm việc niêm yết công khai danh mục thu, chi cụ thể để Nhân dân được biết và giám sát; việc công khai phải cụ thể, chi tiết, hình thức công khai phải phù hợp, thuận tiện để người dân có thể tiếp cận và giám sát. Tăng cường công tác giám sát của HĐND cấp huyện, cấp xã, các đoàn thể và Nhân dân; kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công.

d) Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất; công khai kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở thôn, tổ dân phố. Thực hiện đúng quy định về việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân đối với dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Tiếp thu đầy đủ, giải trình, thông tin kịp thời, xem xét điều chỉnh và công khai để người dân được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

1.3. Nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”:

a) Thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật khiếu nại, tố cáo, pháp luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách tại UBND phường, xã, thị trấn thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ, thường xuyên theo quy định; tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong Nhân dân.

b) Tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư khi phát sinh nội dung, vấn đề bức xúc trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, những nội dung khác người dân quan tâm và UBND phường, xã, thị trấn xác định cần tổ chức đối thoại.

[...]