Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 1915/KH-UBND năm 2018 về hành động thực hiện Chương trình “Không còn nạn đói” trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025

Số hiệu 1915/KH-UBND
Ngày ban hành 30/08/2018
Ngày có hiệu lực 30/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Kpă Thuyên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1915/KH-UBND

Gia Lai, ngày 30 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “KHÔNG CÒN NẠN ĐÓI” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình “Không còn nạn đói” trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh, thông tin và kiến thức sản xuất nông nghiệp dinh dưỡng (lập kế hoạch sản xuất, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, phòng trừ dịch bệnh); góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên hợp quốc.

- Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số để cải thiện điều kiện sống, không còn nạn đói.

- Cải thiện tốt hơn hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm:

+ Giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1.800 Kcal dưới 5%;

+ Tăng mức tiêu thụ rau, củ, quả trung bình đầu người lên 400g/ngày.

- Giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 2 tuổi, với các chỉ tiêu như sau:

+ Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 2 tuổi toàn tỉnh xuống dưới 20% (riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 25%);

+ Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 2 tuổi xuống dưới 5%;

+ Giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (<2.500 gam) xuống dưới 8%.

- Phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững: 100% hộ tham gia chương trình được tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất.

- Phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập: Các hộ tham gia chương trình có tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập 10%.

- Phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng: Các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; hộ nghèo, hộ đói trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Phạm vi: Kế hoạch được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2018 đến năm 2025.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN:

1. Nhiệm vụ 1: Cơ bản người dân có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý quanh năm

- Xác định nhu cầu dinh dưỡng hợp lý cho các độ tuổi của người dân trong hộ gia đình:

+ Cập nhật và phổ biến các hướng dẫn về lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, tháp dinh dưỡng hợp lý và các công cụ đánh giá; giáo dục truyền thông về đảm bảo chế độ ăn lành mạnh và dinh dưỡng hợp lý cho các đối tượng khác nhau, đặc biệt phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ em, theo đặc điểm của từng địa phương, từng vùng, khu vực.

+ Tuyên truyền hướng dẫn, thực hành dinh dưỡng hợp lý cho người dân về tính toán lượng lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng.

[...]