Kế hoạch 1299/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chỉ thị 46/CT-TTg về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 1299/KH-UBND
Ngày ban hành 18/06/2018
Ngày có hiệu lực 18/06/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Huỳnh Nữ Thu Hà
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1299/KH-UBND

Gia Lai, ngày 18 tháng 06 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 46/CT-TTG NGÀY 21/12/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DINH DƯỠNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

UBND tỉnh Gia Lai xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2017

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Tỉnh Gia Lai có 17 huyện, thị xã, thành phố, 222 xã, phường, thị trấn. Dân số của tỉnh trên 1,4 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44,4% (chủ yếu là dân tộc Bahnar và Jarai). Số trẻ dưới 5 tuổi là 170.749 trẻ, trong đó trẻ dưới 2 tuổi là 61.788 chiếm hơn 36%.

1. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực của ngành Y tế, sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành và toàn xã hội, tình hình dinh dưỡng và sức khỏe của nhân dân tỉnh Gia Lai đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 25,4% năm 2011 xuống còn 23,7 % năm 2016 và suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) từ 36,1% năm 2011 xuống còn 35,2 % năm 2016.

2. Công tác truyền thông, vận động, giáo dục, phổ biến kiến thức thực hành dinh dưỡng hợp lý cho toàn dân đã đạt kết quả khá. Các hoạt động cấp phát tờ rơi, cán bộ chuyên trách dinh dưỡng xã hàng tháng viết bài tuyên truyền trên đài truyền thanh của địa phương, tổ chức các buổi truyền thông kết hợp thực hành dinh dưỡng theo từng nhóm, tổ chức các hội thi về tư vấn dinh dưỡng, thực hiện tư vấn dinh dưỡng chăm sóc trẻ bệnh vào các đợt cân trẻ; các cơ quan truyền thông đại chúng tăng cường tuyên truyền kiến thức dinh dưỡng rộng rãi đến cộng đồng tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận tốt hơn với kiến thức về chế độ dinh dưỡng.

3. Hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng được triển khai khá đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Phạm vi triển khai, mạng lưới phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã được thành lập và hoàn thiện, 100% xã và trên 95% thôn, làng, tổ dân phố đều có cộng tác viên dinh dưỡng. Việc lồng ghép chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi với các chương trình mục tiêu Quốc gia khác như: Tiêm chủng mở rộng, Vitamin A... được duy trì.

4. Tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ được cải thiện. Theo kết quả điều tra hàng năm của Viện Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2016 cho thấy tình trạng dinh dưỡng của trẻ em ở tỉnh Gia Lai đã được cải thiện cụ thể:

Năm

SDD cân nặng/tuổi (%)

SDD chiều cao/ tuổi (%)

2011

25,4

36,1

2012

24,3

35,2

2013

24,8

35,5

2014

24,3

35,4

2015

24,1

35,3

2016

23.7

35.2

(Kết quả điều tra tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em năm 2017 Viện Dinh dưỡng-Bộ Y tế chưa thông báo).

5. Đã giải quyết cơ bản tình hạng thiếu vitamin A, giảm đáng kể tình trạng thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ có thai. Trong 7 năm qua, mỗi năm trên 97% trẻ trong độ tuổi 6-60 tháng và trên 90% bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng đầu được uống vitamin A. Các đối tượng có nguy cơ cao (trẻ em bị viêm phổi, sởi, tiêu chảy kéo dài) đều được uống bổ sung viên nang Vitamin A liều cao đảm bảo an toàn.

II. KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

1. Sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền ở một số địa phương về dinh dưỡng còn hạn chế; mạng lưới triển khai hoạt động về dinh dưỡng chưa ổn định; sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu chính sách hỗ trợ cần thiết cho hoạt động của chương trình dinh dưỡng; nhận thức về dinh dưỡng hợp lý của cộng đồng còn thấp

2. An ninh lương thực hộ gia đình ở những vùng khó khăn chưa đảm bảo. Kiến thức, thực hành dinh dưỡng chưa hợp lý còn phổ biến ở các bà mẹ và các thành viên trong gia đình, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Nguồn ngân sách của Nhà nước đầu tư cho chương trình dinh dưỡng còn hạn chế, chủ yếu là nguồn kinh phí Trung ương nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

4. Phụ cấp cho cộng tác viên dinh dưỡng còn thấp, ở khu vực thị xã, thị trấn cộng tác viên không có phụ cấp nên không thu hút được các đối tượng tham gia. (Phụ cấp cộng tác viên dinh dưỡng 2014-2017 đến nay không có kinh phí).

5. Tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao so với tỷ lệ suy dinh dưỡng chung của cả nước: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân năm 2016 (cân nặng/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi là 23.7%, toàn quốc là 13.8%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi năm 2016 (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi là 35,2% , toàn quốc là 24,3%. Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng và thiếu máu ở phụ nữ mang thai và ở trẻ em vẫn còn ở mức cao.

III. NGUYÊN NHÂN

1. Nguyên nhân của những kết quả đạt được

- Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện Chiến lược quốc gia dinh dưỡng và các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng.

- Hoạt động dinh dưỡng được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến địa phương nhờ mạng lưới chuyên trách dinh dưỡng, cộng tác viên dinh dưỡng và huy động các đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng cùng tham gia. Ý thức về dinh dưỡng hợp lý nói chung và phòng chống suy dinh dưỡng nói riêng trong các tầng lớp cán bộ cũng như cộng đồng đã được nâng cao.

- Đã tiếp cận và thực hiện quản lý điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính trong bệnh viện và ngoài cộng đồng ở một số huyện thí điểm (Krông Pa, KBang, Mang Yang, Kông Chro, Chư Sê, Chư Prông).

- Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các thông tin, kiến thức về sức khỏe, dinh dưỡng.

2. Nguyên nhân của những khó khăn hạn chế

- Tại một số địa phương người dân chưa quan tâm hoặc chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

[...]