Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 190/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 190/KH-UBND
Ngày ban hành 08/10/2021
Ngày có hiệu lực 08/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Thị Hạnh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 190/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 08 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “ĐÀO TẠO, ĐÀO TẠO LẠI NÂNG CAO KỸ NĂNG NGUỒN NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ”

Thực hiện Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại văn bản số 3366/TTr-LĐTBXH ngày 30/9/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Triển khai đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào tỉnh Quảng Ninh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đào tạo các nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 05 nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế ở trình độ cao đẳng và trung cấp, ưu tiên cho các lĩnh vực tỉnh đang đẩy mạnh thu hút như: công nghiệp chế biến chế tạo, kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, logictic, quản lý quản trị hiện đại, lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ít nhất 5 nghìn lượt người với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 12 tháng.

- Xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

II. PHẠM VI CHƯƠNG TRÌNH

1. Đối tượng đào tạo, đào tạo lại

a) Đối tượng đào tạo: Học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tham gia các chương trình đào tạo ngành, nghề mới, các chương trình đào tạo bổ sung kỹ năng mới, kỹ năng tương lai) đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

b) Đối tượng đào tạo lại:

- Người lao động trong các doanh nghiệp để chuyển đổi nghề nghiệp do chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Người lao động trong các doanh nghiệp ở những ngành nghề công nghệ mới hoặc cần nâng cao kiến thức, kỹ năng để tiếp thu, làm chủ và khai thác hiệu quả tiến bộ khoa học và công nghệ ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

2. Thời gian thực hiện: Trong giai đoạn năm 2021-2025

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh

- Tăng cường tuyên truyền Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, các quy định của pháp luật liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Tập trung tuyên truyền đối với người sử dụng lao động và người lao động trong độ tuổi có khả năng lao động; học sinh, sinh viên các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các Trường trung học phổ thông, Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên để người lao động, học sinh và phụ huynh học sinh sớm có định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và điều kiện của mình, nâng cao tỷ lệ học sinh chọn hướng nghề nghiệp vào các trường nghề bằng việc tạo dựng uy tín, chất lượng của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và cơ hội nghề nghiệp có được, đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở.

- Xây dựng các trang chuyên đề, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng của Tỉnh, địa phương về nhu cầu nhân lực và chiến lược phát triển ngành, nghề của tỉnh, địa phương, các đơn vị, các doanh nghiệp, nhà đầu tư góp phần định hướng đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng.

- Định hướng đào tạo, đào tạo lại nhân lực có tay nghề phải trên cơ sở nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động, lấy tín nhiệm của thị trường lao động đối với người học sau khi tốt nghiệp là tiêu chí để đánh giá uy tín, chất lượng của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp.

- Tăng cường tuyên truyền các chính sách hỗ trợ học nghề của trung ương và của tỉnh nhằm khuyến khích thanh niên tham gia học nghề.

2. Đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại trên địa bàn tỉnh

- Khảo sát, đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày và các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ ưu tiên phát triển đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Vận dụng kinh nghiệm của khu vực và quốc tế về đào tạo các ngành, nghề đào tạo mới, kỹ năng nghề mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Xác định nhu cầu đào tạo để cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nguồn nhân lực các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ưu tiên cho công nghiệp chế biến chế tạo, kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, logictic, quản lý quản trị hiện đại, lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao.

[...]