Kế hoạch 153/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025

Số hiệu 153/KH-UBND
Ngày ban hành 11/08/2022
Ngày có hiệu lực 11/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 153/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 11 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “ĐÀO TẠO, ĐÀO TẠO LẠI NÂNG CAO KỸ NĂNG NGUỒN NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tổ chức thực hiện đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Đào tạo thí điểm các nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 05 nghề trong đó gồm các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, cấp độ quốc gia với tổng số 100 người ở trình độ cao đẳng và trung cấp, ưu tiên cho các lĩnh vực địa phương tỉnh đang đẩy mạnh thu hút như: Điện công nghiệp, Công nghệ thông tin, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật xây dựng, Quản lý và kinh doanh nông nghiệp.

- Đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho ít nhất 3.000 lượt người lao động bị tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 12 tháng.

II. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

1. Đối tượng đào tạo

Học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia các chương trình đào tạo ngành, nghề mới, các chương trình đào tạo bổ sung kỹ năng mới đáp ứng thị trường lao động trong nước, ngoài nước và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Đối tượng đào tạo lại

Người lao động trong các doanh nghiệp, tổ hợp tác xã để chuyển đổi nghề nghiệp do chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đào tạo, đào tạo lại

- Tăng cường tuyên truyền Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 và các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, các quy định của pháp luật liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Tập trung tuyên truyền đối với người sử dụng lao động và người lao động; học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường trung học phổ thông, để người lao động, học sinh và phụ huynh học sinh sớm có định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực thực tế, nâng cao tỷ lệ học sinh chọn hướng nghề nghiệp vào các trường nghề bằng việc tạo dựng uy tín, chất lượng của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và cơ hội việc làm, đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở.

- Xây dựng các trang chuyên đề, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, địa phương về nhu cầu nhân lực và chiến lược phát triển ngành, nghề của tỉnh, địa phương, các đơn vị, các doanh nghiệp, nhà đầu tư góp phần định hướng đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động.

- Định hướng đào tạo, đào tạo lại nhân lực có tay nghề phải trên cơ sở nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động, lấy tín nhiệm của thị trường lao động đối với người học sau khi tốt nghiệp là tiêu chí để đánh giá uy tín, chất lượng của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp.

- Tăng cường tuyên truyền các chính sách hỗ trợ học nghề của nhà nước và của địa phương nhằm khuyến khích người dân tích cực tham gia học nghề.

2. Đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại

- Xác định nhu cầu đào tạo để cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nguồn nhân lực ở các ngành nghề của địa phương đang đẩy mạnh thu hút như: Điện công nghiệp, Công nghệ thông tin, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật xây dựng, Quản lý và kinh doanh nông nghiệp.

- Xác định nhu cầu đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động nhất là lao động phổ thông đang làm việc trong những ngành nghề bị tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có ngành nghề lao động giản đơn, ngành nghề có năng suất lao động thấp, lao động có kỹ năng thấp; lao động có nguy cơ thất nghiệp...

3. Xây dựng, các chương trình đào tạo, đào tạo lại

- Xác định danh mục các ngành, nghề cần đào tạo, đào tạo lại; phân tích nghề, phân tích công việc, xác định các vị trí việc làm, xác định năng lực yêu cầu đối với người học sau khi được đào tạo để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho từng ngành, nghề cần đào tạo, đào tạo lại.

- Rà soát, biên soạn các chương trình đào tạo, đào tạo lại theo hướng bổ sung các kiến thức, kỹ năng thiếu hụt cho nguồn nhân lực; kết hợp các kiến thức về công nghệ thông tin với các kiến thức về công nghệ mới, đồng thời tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề.

- Rà soát, xây dựng định mức, kinh tế kỹ thuật đối với ngành, nghề đào tạo.

[...]