ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 189/KH-UBND
|
Thanh Hóa, ngày 05 tháng 12 năm 2016
|
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH CHUỖI CUNG ỨNG THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN
AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày
18/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Quyết định số
3517/QĐ-UBND ngày 14/9/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Kế hoạch
hành động thực hiện Nghị quyết số 04- NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng
bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an
toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; để tổ chức triển khai thực hiện
có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 04-NQ/TU, Chủ tịch UBND tỉnh
ban hành Kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông
lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2020, với những
nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai thực hiện có hiệu quả
các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/8/2016 của
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020;
- Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi
cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn đáp ứng nhu cầu
tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ giống
nòi, sức khỏe của người tiêu dùng, nâng cao giá trị, sức cạnh
tranh của sản phẩm nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Các cấp, các ngành, địa phương trong
tỉnh tổ chức xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm
thủy sản an toàn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ đề ra;
- Huy động nguồn lực, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng
thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn;
phát huy vai trò của người sản xuất, các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể
chính trị, các hiệp hội ngành nghề trong sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an
toàn.
II. NỘI DUNG, NHIỆM
VỤ
1. Công tác
tuyên truyền
1.1. Mục tiêu: Tuyên truyền các kiến thức về
ATTP, chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn cho cấp ủy, chính quyền,
các ban, ngành, các tổ chức và toàn xã hội; từng bước thay đổi hành vi sản xuất,
kinh doanh thực phẩm; cung cấp thông tin về các quy định đảm bảo điều kiện ATTP
trong toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh.
1.2. Nội dung:
- Tổ chức tuyên truyền trên các
phương tiện thông tin đại chúng: Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Đài truyền thanh địa
phương và thông qua các tổ chức chính trị - xã hội; trong đó tập trung tuyên
truyền về Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm
pháp luật về ATTP và các quy định của tỉnh về ATTP,...
- Thường xuyên phổ biến rộng rãi trên hệ thống Đài phát thanh xã, phường, thị trấn để nâng
cao nhận thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mọi người dân trong sản xuất,
kinh doanh thực phẩm an toàn.
- Phổ biến kinh nghiệm, tuyên truyền
lợi ích, hiệu quả, ý nghĩa của việc triển khai mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
- Tuyên truyền và vận động người tiêu
dùng nhận diện, lựa chọn sản phẩm từ mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với
sản phẩm khác.
- Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản
phẩm chuỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nơi bán sản phẩm.
- Cung cấp thông tin, kết nối chuỗi
cung ứng thực phẩm an toàn; giới thiệu tôn vinh các tổ chức, cá nhân sản xuất,
kinh doanh đảm bảo ATTP; giới thiệu gương người tốt, việc tốt trong công tác đảm
bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.
1.3. Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền
thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp và
PTNT và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
1.4. Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 - 2020.
2. Đào tạo, tập huấn kiến thức
về xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
2.1. Mục tiêu: Nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng (quản
lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng) đảm bảo đến năm 2020: 90% người sản xuất,
chế biến, kinh doanh thực phẩm, 95% người quản lý, 80% người tiêu dùng có kiến
thức và thực hành đúng về ATTP.
2.2. Kế hoạch thực hiện:
- Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho
cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp thực hiện công tác quản lý ATTP và các
thành phần, tổ chức liên quan: Tổ chức 02 lớp, mỗi lớp 02 ngày, mỗi lớp khoảng 50 học viên.
- Tập huấn hướng dẫn kiến thức và thực
hành về ATTP cho cán bộ cấp xã, ban giám sát cộng đồng cấp xã, tổ chức, cá nhân
sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng: Mỗi huyện tổ chức 02 lớp, mỗi lớp 02 ngày, mỗi
lớp khoảng 50 học viên.
2.3. Nội dung:
- Đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên
môn, nghiệp vụ về xây dựng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm
an toàn; công tác kiểm tra, giám sát cho cán bộ làm công tác ATTP từ tỉnh đến
huyện.
- Phổ biến, hướng
dẫn, trong việc thực hiện các quy phạm, quy trình kỹ thuật đảm bảo chất lượng
ATTP; cách nhận biết về nguy cơ gây mất ATTP, sản phẩm không đảm bảo vệ sinh
ATTP lựa chọn, bảo quản thực phẩm, phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua
thực phẩm cho cộng đồng, hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, thái độ của người
tiêu dùng, chủ động không sử dụng các thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
2.4. Phân công thực hiện:
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Đào tạo, tập
huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp thực hiện
công tác quản lý ATTP và các thành phần, tổ chức liên
quan.
- UBND huyện, thị xã, thành phố: Tập
huấn hướng dẫn kiến thức và thực hành về ATTP cho cán bộ cấp xã, ban giám sát cộng
đồng cấp xã, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
2.5. Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 - 2020.
3. Xây dựng và
phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
3.1. Mục
tiêu: Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực
phẩm nông lâm thủy sản an toàn đảm bảo được số lượng, sản
lượng sản phẩm thực phẩm qua chuỗi, cụ thể:
- Đến tháng 6
năm 2018, có 20% trở lên thực phẩm nông lâm thủy sản tiêu
dùng trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành phố được cung cấp thông qua các chuỗi
liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm được kiểm tra, giám sát và xác nhận sản
phẩm an toàn.
- Hết năm 2020, đảm bảo có 50% trở
lên thực phẩm nông lâm thủy sản tiêu dùng trên địa bàn mỗi huyện, thị xã,
thành phố được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất,
cung ứng thực phẩm được kiểm tra, giám sát và xác nhận sản phẩm an toàn.
3.2. Kế hoạch số lượng, sản lượng mô hình chuỗi giai đoạn 2017 - 2020:
Trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành
phố triển khai thực hiện xây dựng đầy đủ các loại mô hình
chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn, đó là:
- Chuỗi cung ứng
lúa, gạo an toàn;
- Chuỗi cung ứng sản phẩm rau, củ, quả,
trái cây an toàn;
- Chuỗi cung ứng
sản phẩm thịt gia súc, gia cầm an toàn;
- Chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản an
toàn;
Số lượng mô hình chuỗi cung ứng và sản
lượng thực phẩm được cung ứng thông qua chuỗi của huyện, thị xã, thành phố được
thực hiện (chi tiết tại phụ lục 1, 2 kèm
theo).
3.3. Nội dung xây dựng và phát triển nhân rộng mô hình chuỗi:
a) Khảo sát, đánh giá lựa chọn cơ sở tham gia mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tiến hành khảo sát, đánh giá điều kiện
và năng lực của cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế/giết mổ/chế biến, bảo quản,
vận chuyển đến kinh doanh (bán cho tổ chức, cá nhân tiêu dùng trực
tiếp) trên địa bàn, ưu tiên lựa chọn cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ
lực của tỉnh và tiêu thụ liên tỉnh; sản phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn thực
phẩm (gạo; rau, củ, quả; thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm; sản phẩm thủy sản).
Lựa chọn cơ sở tham gia mô hình chuỗi theo các tiêu chí sau:
- Có quy trình giám sát về ATTP cho từng
công đoạn trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng,
ATTP ở tất cả công đoạn từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
- Thực hiện ký cam kết sản xuất thực
phẩm an toàn và được cơ quan chức năng kiểm tra việc thực
hiện nội dung đã cam kết hoặc phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận cơ sở
đủ điều kiện đảm bảo ATTP.
- Sản phẩm trước khi đưa vào lưu
thông, tiêu dùng phải được cơ quan chức năng xác nhận sản phẩm đã được kiểm
soát ATTP theo chuỗi và đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
- Tự nguyện đăng ký tham gia chuỗi
cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Đối với trường hợp chuỗi có từ 02 cơ sở tham gia trở lên thì phải
có hợp đồng liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở sản xuất,
kinh doanh tham gia chuỗi.
b) Đánh giá, công nhận đủ điều kiện
đảm bảo ATTP và xác nhận sản phẩm theo chuỗi:
- Thực hiện kiểm tra điều kiện đảm bảo
ATTP; giám sát đánh giá chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn từ mô
hình.
- Công nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP
(mức cơ bản)/đánh giá chứng nhận phù hợp với các chương trình quản
lý chất lượng tiên tiến VietGAP,GMP, SSOP/HACCP (mức nâng cao) cho các cơ sở
tham gia mô hình chuỗi.
- Xác nhận thực phẩm nông lâm thủy sản
an toàn cho các tác nhân tham gia chuỗi; cung cấp logo nhận diện sản phẩm được
kiểm soát theo chuỗi cho cơ sở được xác nhận sản phẩm đã được kiểm soát theo
chuỗi để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm an toàn.
c) Triển khai các hoạt động quảng
bá, xúc tiến thương mại sản phẩm từ mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm
thủy sản an toàn.
- In tem nhãn nhận diện sản phẩm đã
được kiểm soát ATTP theo chuỗi.
- Quảng bá, tiếp cận thị trường, xúc
tiến thương mại.
- Xây dựng
thương hiệu sản phẩm.
d) Sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả mô hình.
- Sơ kết đánh giá kết quả triển khai
xây dựng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn giai đoạn
2017 - 2018 và đề xuất kế hoạch phát triển, nhân rộng mô hình chuỗi giai đoạn
2019 -2020.
- Tổ chức đánh giá tổng kết triển
khai phát triển, nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản
an toàn (theo từng chuỗi).
3.4. Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: UBND huyện, thị
xã, thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn
vị có liên quan; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm
thủy sản.
3.5. Thời gian thực hiện:
- Giai đoạn 2017 - 2018: Xây dựng mô
hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
- Giai đoạn 2019 - 2020: Phát triển,
nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
III. NGUỒN KINH
PHÍ THỰC HIỆN
1. Ngân sách nhà nước cấp tỉnh: Hỗ trợ
đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp
thực hiện công tác quản lý ATTP và các thành phần, tổ chức
liên quan.
2. Ngân sách nhà nước cấp huyện: Hỗ
trợ tập huấn cho cán bộ cấp xã, ban giám sát cộng đồng cấp xã, tổ chức, cá nhân
sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; chứng nhận điều kiện đảm bảo ATTP; lấy mẫu, kiểm
nghiệm giám sát trước khi xác nhận sản phẩm nông lâm thủy
sản an toàn; kết nối tiêu thụ, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn.
3. Vốn từ các tổ chức, cá nhân và
doanh nghiệp: Đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cần
thiết để đảm bảo ATTP; in trên nhãn, tem nhận diện, bao bì quảng bá, giới thiệu
sản phẩm.
4. Kinh phí hỗ trợ của các Dự án Tổ chức
Quốc tế (nếu có).
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và
PTNT
- Hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc,
kiểm tra việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong Kế hoạch.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng
nông, lâm sản và thủy sản tổ chức thực hiện các nội dung:
+ Tăng cường, phối
hợp với các cơ quan thông tin, tuyên truyền như Báo, Đài Phát thanh và truyền
hình Thanh Hóa,… đăng tin, tuyên truyền về các quy định an toàn thực phẩm, để
người dân biết thực hiện.
+ Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn
kiến thức về xây dựng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho cán bộ cơ
quan quản lý và tổ chức, cá nhân.
+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra, giám sát việc tuân thủ các quy định đảm bảo ATTP trong sản xuất thực phẩm
an toàn; thực hiện lấy mẫu giám sát, đánh giá các nguy cơ kịp thời phát hiện và
ngăn chặn sự cố ATTP; thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm
thủy sản khi xảy ra các sự cố về ATTP thuộc trách nhiệm quản lý; xác nhận thực
phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo quy định.
- Căn cứ các quy định hiện hành và
các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, hàng năm lập
dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch; trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Sở Công thương
- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ
chức kết nối các tổ chức, cá nhân sản xuất,
kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm từ các chuỗi.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp quản lý chợ; ban quản lý các chợ bố trí, sắp xếp có khu, quầy kinh doanh tiêu
thụ sản phẩm từ các chuỗi.
3. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Tãng cường thông tin, tuyên truyền
các chủ trương, chính sách pháp luật về ATTP của Trung ương, của tỉnh.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí
trên địa bàn tỉnh, hệ thống đài truyền thanh cơ sở thực hiện công tác thông
tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATTP; phổ biến kinh nghiệm,
tuyên truyền lợi ích, hiệu quả, ý nghĩa của việc triển khai mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; thông tin các cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh theo chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm sạch,
đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP để người tiêu dùng biết lựa chọn.
4. Sở Tài
chính
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành có liên quan, hàng năm tham mưu bố trí kế hoạch vốn từ nguồn ngân sách
nhà nước, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để
thực hiện.
5. Các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị
xã hội có liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để
triển khai thực hiện Kế hoạch, tổ chức vận động, tuyên truyền nhân dân chấp
hành tốt các quy định về đảm bảo ATTP
và tích cực tham gia mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi
cung ứng.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố
- Tập trung chỉ đạo, bố trí đầy đủ
nguồn lực, kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu
quả các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch trên địa bàn quản lý.
- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tích
cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tổ chức sản xuất thực phẩm an toàn; đồng thời kiểm tra chứng nhận và giám
sát việc sản xuất các sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn trên địa bàn theo quy
định hiện hành.
- Định kỳ báo cáo UBND tỉnh qua Sở
Nông nghiệp và PTNT kết quả thực hiện Kế hoạch.
7. Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn
- Phối hợp với các đơn vị liên quan
thực hiện xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực
phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
- Thực hiện giám sát hoạt động sản xuất
của tổ chức, cá nhân theo cam kết sản xuất thực phẩm an toàn trên địa bàn. Xác
nhận thông tin sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất cung cấp về nguồn gốc, xuất
xứ sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản.
- Làm tốt việc tuyên truyền để nâng cao
nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý ATTP.
8. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông
lâm thủy sản
- Chấp hành tốt các quy định về ATTP
trong toàn bộ quá trình sản xuất của cơ sở; tự nguyện tham
gia và cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm
nông lâm thủy sản an toàn.
- Chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật
chất, phương tiện, thiết bị cần thiết để đáp ứng đầy đủ
các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất,
kinh doanh.
Giao Sở Nông
nghiệp và PTNT có trách nhiệm tổng hợp, kiểm tra đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch; định kỳ hoặc đột xuất tổng
hợp báo cáo kết quả thực hiện về Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận:
- TT: Tỉnh uỷ,
HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (để b/c);
- Văn phòng: Tỉnh ủy; UBND tỉnh;
- Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Sở Tài chính;
- Sở Công thương;
- Sở Thông tin và Truyền thông;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NN (A380).
|
CHỦ
TỊCH
Nguyễn Đình Xứng
|