Kế hoạch 187/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình 153-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Hậu Giang ban hành

Số hiệu 187/KH-UBND
Ngày ban hành 25/09/2023
Ngày có hiệu lực 25/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Trương Cảnh Tuyên
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 25 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 153-CTR/TU NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW NGÀY 17/11/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Chương trình số 153-CTr/TU ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chương trình số 153-CTr/TU), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 153-CTr/TU, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, làm cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với các quan điểm, định hướng, chủ trương được đề ra trong Chương trình số 153-CTr/TU.

2. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu rõ tầm quan trọng, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.

3. Kế hoạch là căn cứ cho các ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công; đồng thời, để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các ngành, các cấp.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2030

Xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành Tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá, không còn là Tỉnh khó khăn về phát triển kinh tế. Nông nghiệp phát triển nhanh, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến, gắn với bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, hình thành nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.

2. Tầm nhìn đến năm 2045

Xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trở thành Tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước.

3. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,7%/năm, trong đó giai đoạn 2026 - 2030 đạt từ 10 - 12%/năm. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 40%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng, gấp 2,85 lần so với năm 2020, cao hơn mức trung bình vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 30%; tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo trên 70%; đạt 250 sinh viên/vạn dân.

- Đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp đóng góp từ 40 - 50% GRDP, trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp khoảng 33% GRDP, tỷ trọng khu vực dịch vụ đóng góp khoảng 38% GRDP và tỷ trọng nông nghiệp trong GRDP giảm xuống dưới 15%.

- Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP.

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 37%.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đổi mới nhận thức và hành động về công nghiệp hóa, hiện đại hóa

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và Nhân dân về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ (KH - CN), đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đối số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững. Chuyến dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

- Gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với thực hiện luật pháp và xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch liên quan. Thực hiện phân công, phân cấp triệt để trong quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Nâng cao năng lực dự báo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện.

2. Hoàn thiện các chính sách thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa

- Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Quy hoạch và thu hút đầu tư tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030 và các năm tiếp theo.

- Lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phù hợp với định hướng chỉ đạo phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Tập trung nguồn lực để kết nối phát huy hệ thống đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh; đầu tư hoàn thiện, đồng bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; thu hút các nhà đầu tư hạ tầng có năng lực để phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai có hiệu quả Quyết định số 1748/QĐ-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2022 của UBND tỉnh ban hành Quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch, thu hút các ngành nghề phù hợp định hướng quy hoạch, có tính lan tỏa, có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động tại chỗ, có cơ chế tiền lương, thu nhập cho người lao động ở mức khá so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp lớn cho ngân sách và thân thiện với môi trường. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là các dự án phải thực hiện thu hồi đất.

- Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Phối hợp cung cấp thông tin hoàn thiện các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở cấp tỉnh, tạo thuận lợi cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, khai thác thông tin và thực hiện cung cấp thông tin, văn bản, giấy tờ, hồ sơ khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Phối hợp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và cộng đồng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.

[...]