Kế hoạch 187/KH-UBND năm 2022 thực hiện hiện Quyết định 344/QĐ-TTg “Về việc phê duyệt Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do tỉnh Đắk Lắk ban hành

Số hiệu 187/KH-UBND
Ngày ban hành 26/09/2022
Ngày có hiệu lực 26/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Y Giang Gry Niê Knơng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 26 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 344/QĐ-TTG NGÀY 15/3/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ “VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MẮC CA GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050”

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Kế hoạch số 3683/KH-BNN-TCLN ngày 09/6/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Triển khai, thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Kế hoạch số 3683/KH-BNN-TCLN ngày 09/6/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như sau:

I. MỤC TIÊU

Tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, thống nhất và hiệu quả Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Đề án); Kế hoạch số 3683/KH-BNN-TCLN ngày 09/6/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Triển khai, thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; theo đó, để chương trình phát triển Mắc ca trở thành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững; góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng, trong Kế hoạch thực hiện phát triển Mắc ca giai đoạn năm 2021-2030, cần phấn đấu đạt được các mục tiêu cụ thể sau:

- Phấn đấu phát triển vùng nguyên liệu Mắc ca tỉnh đến năm 2030 đạt 4.000ha (trồng thuần 1.000 ha, trồng xen 3.000ha); trong đó, tính đến tháng 7 năm 2021 diện tích Mắc ca trên địa bàn tỉnh đạt 2.000ha và kế hoạch trồng mới Mắc ca giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh phấn đấu trồng mới 2.000 ha, triển khai thuộc địa bàn 07 đơn vị hành chính gồm: huyện Krông Năng, huyện Ea H’leo, huyện Krông Búk, huyện Cư M’gar, huyện Ea Kar, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột; trong đó, việc rà soát quỹ đất phát triển vùng nguyên liệu Mắc ca tập trung thực hiện theo thứ tự ưu tiên ở các địa bàn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân vùng rất thích hợp gồm huyện Krông Năng, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột và sau đó đến các vùng thuộc huyện Ea H’leo, huyện Krông Búk, huyện Cư M’gar và huyện Ea Kar.

- Về phát triển cơ sở chế biến: Khuyến khích và tạo điều kiện các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng cơ sở chế biến, nhà máy chế biến sâu gắn với vùng trồng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2030, trên cơ sở dự đoán sản lượng thực tế, tập trung việc nâng cấp 15 cơ sở chế biến hiện có với công suất mỗi cơ sở từ 100-200 tấn hạt tươi/năm.

- Sau năm 2030, sẽ rà soát, đánh giá hệ thống cơ sở sơ chế, chế biến phù hợp với với các vùng nguyên liệu theo đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ

1. Tổ chức, triển khai Kế hoạch

1.1. Rà soát quỹ đất phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây Mắc ca, quy hoạch của tỉnh thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn để phát triển bền vững cây Mắc ca tại địa phương; trong đó, rà soát bố trí quỹ đất quy hoạch là rừng sản xuất để phát triển theo phương thức trồng thuần loài và trồng xen Mắc ca với các loài cây trồng khác trên đất trồng cây công nghiệp và đất trống quy hoạch phát triển rừng phòng hộ theo quy mô và địa điểm cụ thể, phù hợp phát triển vùng nguyên liệu Mắc ca như sau:

- Về đất đai và khí hậu gây trồng Mắc ca theo Quyết định số 3697/QĐ- BNN-TCLN ngày 24/9/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Ban hành hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch quả và sơ chế hạt cây Mắc ca”; theo đó, (1) Điều kiện khí hậu gây trồng: Nhiệt độ: 15°C-35°C, thích hợp nhất 20°C-25°C; lượng mưa bình quân năm: 1600mm-2500mm; độ cao so với mặt nước biển: 50m-1200m; những nơi ít bị gió mạnh, gió phơn (gió Lào), sương muối, mưa phùn ẩm ướt kéo dài ; (2) Đất đai và địa hình vùng gây trồng Mắc ca: Đất đai trồng Mắc ca ở những nơi đất tốt, thích hợp nhất là nơi có độ dày tầng đất từ 50 cm trở lên, thành phần cơ giới nhẹ, khả năng thoát nước tốt, giàu hữu cơ, độ pH(kcl) = 4 -6,5 (không trồng cây Mắc ca trên đất cát, đất ngập úng, đất chua phèn ); địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc không quá 25°.

- Đối tượng đất rà soát theo phương thức trồng: (1) Trồng thuần trên đất trống chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất , đất trồng cây hàng năm và các loại đất trống chưa sử dụng; ngoài ra, có thể rà soát bố trí trồng trên những diện tích đất đã trồng các loài cây nông, lâm nghiệp nhưng kém hiệu quả có thể chuyển đổi sang trồng cây Mắc ca; trên đất trồng lại rừng sau khai thác. (2) Trồng xen trên đất đã trồng cây công nghiệp như Cà phê, Chè … hoặc trên đất vườn tạp, đất chưa có rừng quy hoạch rừng phòng hộ; đảm bảo nguyên tắc không làm giảm sản lượng, chất lượng của cây trồng khác.

1.2. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững Mắc ca theo diện tích và định hướng vùng trồng cây Mắc ca theo Kế hoạch, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tiềm năng, năng lực đầu tư , quỹ đất, hiệu quả kinh tế xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường.

1.3. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến, nhà máy chế biến sâu gắn với vùng trồng nguyên liệu.

1.4. Phối hợp các cơ quan Trung ương tiếp nhận và triển khai một một số nhiệm vụ về chuyển giao giống quy trình, công nghệ chế biến và nâng cao năng lực hệ thống sản xuất giống nhằm đáp ứng số lượng và chất lượng giống thực hiện hiệu quả Đề án.

2. Thực hiện và nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách

- Tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện có; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học đầu tư nghiên cứu, phát triển cây Mắc ca theo hướng hiệu quả, bền vững.

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương theo hướng khuyến khích liên kết sản xuất, tích tụ đất đai để hình thành vùng trồng thâm canh cây Mắc ca tập trung.

3. Tổ chức sản xuất

- Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất Mắc ca thông qua cầu nối hợp tác xã và tổ hợp tác xây dựng vùng trồng Mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng Mắc ca từ giống, trồng, chăm sóc đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất Mắc ca cả về chiều rộng và chiều sâu; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường năng lực cho hợp tác xã , gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân trong phát triển sản xuất Mắc ca theo chuỗi giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển Mắc ca hiệu quả, bền vững.

- Đối với hộ gia đình, cần liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để xây dựng vùng trồng Mắc ca tập trung, thiết lập mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm.

4. Về thị trường tiêu thụ

- Đối với thị trường trong nước, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm Mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm Mắc ca.

- Đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu; tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt Mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm Mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ