Quyết định 1418/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch phát triển Mắc ca bền vững tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030 định hướng đến năm 2050

Số hiệu 1418/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/08/2022
Ngày có hiệu lực 10/08/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1418/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 10 tháng 8 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN MẮC CA BỀN VỮNG TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2022-2030 ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2050

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 165/TTr-SNN ngày 29/7/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển Mắc ca bền vững tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030 định hướng đến năm 2050, với các nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung: Phát triển Mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững có giá trị gia tăng cao; góp phần phục hồi, tăng độ che phủ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, ổn định dân cư, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2030 nâng diện tích trồng Mắc ca toàn tỉnh đạt 26.000 ha, sản lượng 34.000 tấn; tỷ lệ sơ chế, chế biến đạt 90% trở lên.

- Định hướng đến năm 2050 đạt 39.500 ha, sản lượng 71.000 tấn.

II. Nội dung

1. Kế hoạch phát triển Mắc ca:

a) Trên đất nông nghiệp: Tiếp tục phát triển diện tích Mắc ca tại địa bàn các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng, Đam Rông, Lạc Dương, Đơn Dương, Đạ Tẻh và thành phố Bảo Lộc; ổn định diện tích tại thành phố Đà Lạt và huyện Cát Tiên; phấn đấu đến 2030 diện tích đạt 16.600 ha, trong đó trồng thuần 470 ha, trồng xen 16.130 ha. Định hướng đến 2050 diện tích đạt 24.800 ha, trong đó trồng thuần 700 ha, trồng xen 24.100 ha.

b) Trên đất lâm nghiệp: Tiếp tục phát triển Mắc ca tại các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đam Rông, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt; phn đu đến 2030 diện tích đạt 9.400 ha (trồng thuần 1.250 ha, trồng xen 8.150 ha); định hướng đến năm 2050 diện tích đạt 14.700 ha (trồng thuần 2.000 ha, trồng xen 12.700 ha).

(Chi tiết theo Phụ lục 01 và 02 đính kèm)

2. Sản xuất giống phục vụ phát triển Mắc ca:

a) Bộ giống mắc ca chủ lực trên địa bàn tỉnh gồm: QN1, 246, 508, 695, 741, 788, 800, 816, 842, 849, 900, A38, Daddow; tiếp tục phối hợp với cơ quan nghiên cứu các dòng mắc ca mới, triển vọng phù hợp với từng vùng sinh thái cho năng suất cao, chất lượng tốt.

b) Giai đoạn 2022 - 2030, nhu cầu giống phục vụ sản xuất 2.400.000 cây.

c) Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống Mắc ca, đảm bảo diện tích Mắc ca trồng mới đều được trồng bằng cây giống ghép từ các dòng có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với từng tiểu vùng sinh thái.

3. Xây dựng, hoàn thiện quy trình, tập huấn kỹ thuật sản xuất Mắc ca

a) Đánh giá các biện pháp kỹ thuật và phương thức canh tác Mắc ca phù hợp với từng vùng sản xuất và theo từng đối tượng cây trồng chính trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp.

b) Xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật về trồng xen Mắc ca trên đất nông nghiệp; trồng thuần và trồng xen trên đất lâm nghiệp; quy trình ghép cải tạo Mắc ca thực sinh.

c) Đào tạo tập huấn 60 lớp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân về kỹ thuật trồng thâm canh, thu hái, sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm Mắc ca đảm bảo hiệu quả và bền vững.

4. Phát triển chế biến Mắc ca

a) Xây dựng hệ thống cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu, quy mô công suất hệ thống chế biến phù hợp với khả năng đáp ứng của vùng sản xuất nguyên liệu, ưu tiên công nghệ chế biến sâu, hiện đại với những sản phẩm cao cấp, có giá trị cao.

[...]