Kế hoạch 1858/KH-UBND năm 2015 về Đề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Số hiệu 1858/KH-UBND
Ngày ban hành 21/04/2015
Ngày có hiệu lực 21/04/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Hữu Lập
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1858/KH-UBND

Bến Tre, ngày 21 tháng 04 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 11476/QĐ-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành công thương thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành công thương đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

- Phát triển công nghiệp với cơ cấu hợp lý trên cơ sở huy động có hiệu quả nhất mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế; chú trọng phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn gắn kết với phát triển dịch vụ công nghiệp; khai thác triệt để các lợi thế có sẵn và chủ động tạo ra lợi thế của địa phương và các cơ hội ở khu vực; tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất công nghiệp khu vực;

- Tạo sự chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các thành phần kinh tế; tập trung huy động, thu hút nguồn lực, đẩy mạnh phát triển công nghiệp để công nghiệp tiếp tục là khâu đột phá để thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, theo kịp khu vực và cả nước;

- Chú trọng và phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng nền thương mại trong tỉnh phát triển bền vững, văn minh, hiện đại với sự tham gia đa dạng của các loại hình tổ chức và các thành phần kinh tế; khuyến khích và thúc đẩy quá trình hình thành các doanh nghiệp lớn thông qua quá trình tích tụ và tập trung; phát huy vai trò và vị trí của thương mại trong tỉnh trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển; định hướng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân;

- Tiếp tục phát triển thị trường ngoài nước để tăng nhanh xuất khẩu; xây dựng và cng cố các đối tác hợp tác chiến lược để phát triển thị trường bền vững; đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, tránh lệ thuộc vào một thị trường; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng các quan hệ đối tác mới thực sự mang lại lợi ích cho địa phương; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế gắn kết chặt chẽ với phát triển bền vững;

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 13,9%/năm; tỷ trọng giá trị công nghiệp tăng thêm trong cơ cấu kinh tế đến năm 2020 chiếm 18,05%; tốc độ tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt 20%; tỷ trọng khu vực III trong cơ cấu kinh tế đến năm 2020 chiếm 41,7%; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 15%/năm, đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD.

II. ĐỊNH HƯỚNG

1. Phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh:

a) Ngành công nghiệp chế biến dừa: Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa đi vào chiều sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến; đa dạng hoá sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm giá trị gia tăng cao và sản phẩm mới.

b) Công nghiệp chế biến thuỷ sản: Tập trung ưu tiên kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển các nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu, trong đó đặc biệt ưu tiên chế biến tôm, cá tra, nghêu có quy mô trên 10.000 tấn/nhà máy với công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các vùng thuận lợi về nguyên liệu để đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Nhật, Mỹ, EU... Đồng thời, tiếp tục mở rộng nâng công suất các nhà máy chế biến thuỷ hải sản đã được đầu tư có hiệu quả ở giai đoạn trước và phù hợp khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu đánh bắt và nuôi trồng.

2. Phát triển các nhóm ngành lựa chọn ưu tiên để phát triển đến năm 2020

a) Công nghiệp cơ khí: Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế chế tạo sản phẩm mới và chuyển giao công nghệ để phát triển ngành công nghiệp cơ khí tập trung vào các lĩnh vực: Chế tạo các thiết bị phục vụ cho công nghiệp chế biến nhất là chế biến dừa, chế tạo các thiết bị phục vụ cho nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản; ưu tiên kêu gọi đầu tư phục vụ đóng, sửa chữa tàu thuyền, nhất là tàu sắt phục vụ cho Chương trình đánh bắt xa bờ tại 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú; khuyến khích phát triển đa dạng hoá sản phẩm cơ khí phục vụ cho tiêu dùng và đời sống nhân dân; kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới hoặc đầu tư có chiều sâu tại các cơ sở cơ khí chế tạo hiện có.

Lựa chọn và tập trung đầu tư có trọng điểm cho các dự án sử dụng công nghệ hiện đại; sản xuất các sản phẩm có độ chính xác cao, có sản lượng lớn,… nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tăng giá trị tăng thêm của ngành.

- Công nghiệp hoá chất (phân bón sạch, hoá dược): Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu đối với các sản phẩm như phân bón, hoá dược. Thu hút và phát triển các dự án sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, sản xuất có nguồn gốc từ dược liệu; sản xuất phân bón sạch. Định hướng thu hút các dự án đầu tư từ các tập đoàn dược phẩm nổi tiếng vào các khu công nghiệp đã quy hoạch. Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu thị trường và khả năng đầu tư, có thể xem xét mở rộng một số dự án trên cơ sở áp dụng công nghệ mới, đảm bảo yêu cầu cao hơn về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

- Công nghiệp điện tử-tin học: Tập trung thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp chi tiết, linh kiện điện tử chuyên dụng, công nghiệp phần mềm theo hướng xuất khẩu, sản xuất linh kiện, phụ tùng và sản phẩm phụ trợ cho các lĩnh vực tin học, viễn thông, điện tử công nghiệp, cơ điện tử.

- Công nghiệp dệt may-da giày: Hình thành các cụm dệt may-da giày; khuyến khích  đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm tập trung; phát triển sản xuất nguyên liệu và công nghiệp hỗ trợ ngành da; nâng cao năng lực tự thiết kế mẫu mã và phát triển sản phẩm mới; tạo mạng liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong ngành.

- Công nghiệp bao bì: Tập trung phát triển đa dạng mẫu mã các sản phẩm bao bì, nâng cấp, mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, phù hợp các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Đồng thời, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất bao bì phục vụ cho toàn bộ nhu cầu bao bì cho ngành công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản, thực phẩm của tỉnh và các tỉnh lân cận.

- Công nghiệp sản xuất các sản phẩm mới (năng lượng gió, năng lượng mặt trời...): Khuyến khích đầu tư phát triển các dự án công nghiệp năng lượng gió tại các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, phát triển các dự án đầu tư năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo phù hợp với thực tế của địa phương. Đồng thời, ưu tiên thu hút đầu tư những ngành, sản phẩm mới có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có điều kiện phát triển và thị trường tiêu thụ.

3. Phát triển thị trường trong nước

- Đảm bảo hàng hoá lưu thông thông suốt, củng cố và phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ để cung ứng đầy đủ, kịp thời các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh, nhất là chú ý đến mạng lưới phân phối hàng hoá đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp trong tỉnh.

- Tạo điều kiện để xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, người nông dân và doanh nghiệp phân phối trong tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững nhằm ổn định đầu ra cho người nông dân.

- Thực hiện có hiệu quả phát triển thị trường gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

4. Phát triển xuất khẩu

[...]