Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 184/KH-UBND năm 2021 triển khai xét nghiệm diện rộng để chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 184/KH-UBND
Ngày ban hành 10/08/2021
Ngày có hiệu lực 10/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chu Ngọc Anh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 184/KH-UBND

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI XÉT NGHIỆM DIỆN RỘNG ĐỂ CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Trước diễn biến hết sức phức tạp và khó lường của dịch bệnh COVID-19, Thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7/2021, tuy nhiên mỗi ngày Hà Nội vẫn ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao (60-80 ca mắc mới/ngày) đặc biệt đã có nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây. Dịch bệnh đã xuất hiện trong các bệnh viện, nhà máy sản xuất, cơ quan, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối... và tiếp tục có nguy cơ bùng phát nếu không có các biện pháp quyết liệt hơn nữa.

Thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ, Công điện số 1068/CĐ-TTg ngày 05/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 1168/CĐ-BYT ngày 07/8/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Kết luận số 31-KL/TU ngày 03/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy và Thông báo kết luận số 452-TB/TU ngày 10/8/2021 của Thường trực Thành ủy, Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021, Công điện số 17/CĐ-UBND ngày 01/8/2021, Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 06/8/2021, để chủ động khống chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19, nhanh chóng đưa Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, UBND Thành phố xây dựng kế hoạch triển khai xét nghiệm diện rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

Tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, tng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa “thời gian vàng” các ngày giãn cách xã hội thực hiện xét nghiệm trên diện rộng đảm bảo an toàn ở mức tối đa, kết hợp với các hoạt động xét nghiệm theo truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để F0, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

2. Yêu cầu

- Huy động mọi nguồn lực để triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn Thành phố. Đảm bảo chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ, nhóm đối tượng nguy cơ và mở rộng xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình.

- Đảm bảo công tác chuẩn bị chu đáo, toàn diện, chỉ đạo chặt chẽ; phương án lấy mẫu, làm xét nghiệm thống nhất, phù hợp năng lực xét nghiệm trong 24 giờ không để mẫu tồn; đảm bảo công tác hậu cần đầy đủ, đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo an toàn khi lấy mẫu, giãn cách phù hợp, không lây nhiễm chéo.

II. ĐỐI TƯỢNG XÉT NGHIỆM

Phân chia đối tượng xét nghiệm theo Nhóm nguy cơ như sau:

- “Nhóm đỏ”: các khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như chuỗi cung ứng, chợ, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, công nhân / bảo vệ các tòa nhà... và các khu vực nguy cơ cao khác, đối tượng nguy cơ cao khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.

- “Nhóm da cam”: các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh... và các khu vực nằm trong vùng nguy cơ theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các đối tượng và các khu vực nguy cơ khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.

- “Nhóm xanh”: các đối tượng ít di chuyển tại khu vực không có dịch trong vùng xanh.

- Việc lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao. Mỗi gia đình lấy đại diện 01 mẫu của 01 thành viên có nguy cơ cao nhất.

- Việc tổ chức xét nghiệm đối với đối tượng F0, F1, người nhập cảnh, người đi về từ vùng dịch, các đối tượng khác... được thực hiện thường quy theo quy định.

III. PHƯƠNG PHÁP VÀ NGUYÊN TẮC XÉT NGHIỆM

1. Phương pháp xét nghiệm

- Sử dụng 02 phương pháp xét nghiệm:

+ Phương pháp xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR phát hiện vật chất di truyền của vi rút SARS-CoV-2 (phương pháp RT-PCR).

+ Phương pháp xét nghiệm nhanh để xác định nhiễm SARS-CoV-2 (phương pháp test nhanh).

- Ưu tiên sử dụng phương pháp RT-PCR để tránh bỏ sót nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc xác định các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Các địa phương chủ động thực hiện xét nghiệm test nhanh linh hoạt trong từng tình huống để sàng lọc nhanh nhất, tranh thủ từng phút, từng giờ trong hoạt động điều tra truy vết.

- Căn cứ tình hình thực tế tùy từng đối tượng xét nghiệm cụ thể có thể thực hiện việc gộp mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 1817/QĐ-BYT ngày 07/4/2021 về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2”.

- Việc xét nghiệm test nhanh thực hiện theo Quyết định 2022/QĐ-BYT ngày 28/4/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2”.

2. Nguyên tắc xét nghiệm

Triển khai lấy mẫu, xét nghiệm trên toàn Thành phố, trong đó:

- Tập trung mọi nguồn lực của Thành phố để ưu tiên thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực phong tỏa, cách ly “nhóm đỏ”, khu vực có nguy cơ “nhóm da cam” để trong thời gian nhanh nhất khống chế thu hẹp “nhóm đỏ”, các trường hợp có triệu chứng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (ho, sốt, khó thở...), các trường hợp nguy cơ cao, di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người (lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch tại cơ sở, người giao hàng, người làm trong các chuỗi cung ứng thực phẩm, chợ, siêu thị...) để kịp thời chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, dần đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

[...]