Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 1829/KH-UBND năm 2023 về phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 1829/KH-UBND
Ngày ban hành 15/09/2023
Ngày có hiệu lực 15/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1829/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 15 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 31/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 885/QĐ-BTTTT ngày 25/5/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phát triển hạ tầng số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch “Phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2023 - 2025” như sau:

I. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG

1. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin

- Tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng đạt 98,0%; Tỷ lệ thôn được phủ băng rộng cố định (cáp quang FTTH) đạt 94%; Tỷ lệ dùng chung vị trí trạm BTS đạt 26%; Tỷ lệ dùng chung cột treo cáp đạt 37%; Tỷ lệ dùng chung cống bể cáp đạt 25%; Tỷ lệ dùng chung cột điện lực đạt 69%.

- Tỷ lệ Ủy ban nhân dân cấp xã kết nối mạng Truyền số liệu chuyên dùng đạt 100%; Tỷ lệ hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây đạt 100%; Tỷ lệ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như dịch vụ trong công tác chuyển đổi số đạt 100%. Chưa sử dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain), internet vạn vật (IoT) như dịch vụ trong công tác chuyển đổi số.

- Số thuê bao băng rộng di động (BRDĐ)/100 dân đạt 69%; Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (SMP)/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 90%; Tỷ lệ người sử dụng internet đạt 87%; Tỷ lệ số thuê bao băng rộng cố định (BRCĐ)/100 dân đạt 18,6%; Tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng cáp quang đạt 66%; Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 91%; Tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet (BRCĐ hoặc BRDĐ) đạt 80%.

2. Đánh giá chung

- Ưu điểm: Hạ tầng viễn thông băng rộng được quan tâm, đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Internet cáp quang hộ gia đình của tỉnh tăng trưởng khá; Mạng truyền số liệu chuyên dùng, Nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu LGSP tỉnh (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu địa phương) được triển khai cùng với các nền tảng cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã và đang được triển khai đáp ứng được yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số của tỉnh.

Hạ tầng viễn thông băng rộng phát triển hiện đại, đồng bộ đến khu vực nông thôn, miền núi. Việc phát triển các nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung được quan tâm từng bước hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn thông tin được chú trọng. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án dùng nguồn vốn đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để đầu tư mới, nâng cấp các hệ thống phần mềm dùng chung, hạ tầng trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh...

- Tồn tại, hạn chế: Tỷ lệ dùng chung hạ tầng viễn thông, hạ tầng kỹ thuật liên ngành còn thấp, chưa có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, doanh nghiệp quản lý hạ tầng kỹ thuật liên ngành điện, nước, giao thông, chiếu sáng. Các chỉ tiêu phát triển hạ tầng IoT, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và nền tảng số có tính chất hạ tầng còn thấp.

Hạ tầng cáp quang internet băng rộng cố định, băng rộng di động tại một số địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa được phủ toàn diện hoặc chất lượng còn thấp; hạ tầng thiết bị đầu cuối, kết nối mạng chưa đồng bộ; chất lượng dịch vụ 3G, 4G ở một số khu vực thấp do việc phát triển, lắp đặt mới trạm BTS gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được đầu tư xây dựng kịp thời. Hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn, trợ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao...

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1.1. Mục đích

- Phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng) băng rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Hạ tầng số được phát triển nhanh, phát triển trước phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh.

- Phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhu cầu thông tin, giải trí của nhân dân; sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu và đảm bảo an toàn thông tin mạng.

- Phát triển hạ tầng số đáp ứng xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Quảng Bình. Nâng cao chất lượng mạng 4G, từng bước triển khai mạng 5G. Phổ cập internet băng rộng như một tiện ích thiết yếu, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Thúc đẩy chuyển dịch từ dịch vụ viễn thông cơ bản sang dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hạ tầng viễn thông; tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông của tỉnh; đảm bảo an toàn hạ tầng mạng lưới, môi trường, cảnh quan đô thị.

- Cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp viễn thông phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp hoàn thành các mục tiêu đề ra.

1.2. Yêu cầu

- Hạ tầng số được lập kế hoạch, triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác. Các doanh nghiệp phối hợp phát triển hạ tầng số theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ.

[...]