Kế hoạch 180/KH-UBND năm 2019 về triển khai Đề án kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La

Số hiệu 180/KH-UBND
Ngày ban hành 05/08/2019
Ngày có hiệu lực 05/08/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Lê Hồng Minh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 180/KH-UBND

Sơn La, ngày 05 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ VẬN TẢI VÀ ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG CHO KHÁCH DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Quyết định số 62/QĐ-TTg ngày 11/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch triển khai Đề án kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai các nội dung chi tiết của Đề án phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải phục vụ khách du lịch và an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường kiểm soát, đẩy mạnh chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch, nhằm góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín, vị thế của ngành Giao thông vận tải, ngành Du lịch Sơn La và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sơn La.

- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường kết nối trong nước và khu vực; phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa để phát triển du lịch.

- Phát triển đa dạng về các dịch vụ vận tải, cải cách các thủ tục hành chính tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và khách du lịch; đổi mới phương tiện vận tải khách du lịch theo hướng hiện đại, tiện nghi, đáp ứng quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và ứng dụng khoa học công nghệ, giao thông thông minh trong quản lý, khai thác hoạt động vận tải khách du lịch.

2. Yêu cầu

- Triển khai các nội dung trong phạm vi Đề án đã được phê duyệt và tuân theo các quy định của pháp luật về dịch vụ vận tải, trật tự an toàn giao thông.

- Các Sở, ban, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ trong nội dung Kế hoạch phải chủ động tổ chức triển khai, tham mưu thực hiện Đề án, đảm bảo về tiến độ theo lộ trình Đề án đề ra. Quá trình triển khai Kế hoạch, giữa các Sở, ban, ngành, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên để thống nhất, đồng bộ thực hiện Đề án.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm thời hạn giải quyết các loại Giấy phép, đăng ký, đăng kiểm trong quản lý hoạt động vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông.

- Tiếp tục thực hiện Đề án cải cách hành chính, trên cơ sở đề xuất của các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông đối với khách du lịch; xem xét tiếp tục thực hiện cắt giảm thời hạn giải quyết cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, công bố đưa Bến xe khách vào khai thác, cấp Giấy phép đấu nối quốc lộ, tỉnh lộ.

2. Đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ chuyên ngành điều chỉnh bổ sung một số quy định nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, cụ thể:

- Nâng cao chất lượng phương tiện vận tải, trang thiết bị phục vụ khách du lịch đường thủy, đường bộ với việc bổ sung camera trên phương tiện để giám sát người điều khiển, nhân viên phục vụ, hành khách; niêm yết đường dây nóng phản ánh chất lượng dịch vụ; bổ sung thiết bị báo cháy, chữa cháy tự động; niêm yết thông tin hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông, thoát hiểm khi xảy ra sự cố và được thể hiện dạng song ngữ Việt - Anh;

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan trong chia sẻ thông tin về phương tiện vận tải khách du lịch, giấy phép, chứng chỉ nghiệp vụ của người điều khiển, nhân viên phục vụ; thông tin đăng ký, đăng kiểm phương tiện, xử lý vi phạm hành chính, tai nạn giao thông... trong hoạt động vận tải khách du lịch đường bộ, đường thủy nội địa;

- Bổ sung quy định về Doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh vận tải khách du lịch phải có Bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông.

3. Phối hợp nghiên cứu và báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục đường bộ Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan rà soát, nâng cấp, đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ vận tải du lịch và đảm bảo an toàn giao thông:

- Nâng cấp, cải tạo các đầu mối giao thông phục vụ vận tải khách du lịch tại các bến xe khách, bến thủy nội địa, trạm dừng nghỉ..., đảm bảo bố trí tối ưu các khu chức năng, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dịch vụ, tiện nghi phục vụ khách du lịch (gồm cả hành khách là người khuyết tật);

- Tăng cường công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa;

- Phê duyệt vị trí các điểm đón, trả khách, bãi đỗ xe phục vụ phương tiện vận tải khách du lịch tại các khu du lịch, địa điểm tâm linh trên địa bàn tỉnh; đảm bảo quỹ đất dành cho phát triển giao thông theo quy định, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm; chỉ đạo bổ sung hệ thống biển báo hiệu chỉ dẫn giao thông đường bộ, thông tin du lịch trên các tuyến đường dẫn đến các địa điểm du lịch, cửa khẩu quốc tế... trên địa bàn tỉnh.

4. Nâng cao chất lượng phương tiện vận tải và dịch vụ phục vụ khách du lịch:

- Tập trung đổi mới, phát triển đa dạng hóa phương tiện vận tải phục vụ khách du lịch theo hướng hiện đại, tiện nghi, đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch trong nước và quốc tế. Cụ thể từng phương thức vận tải như sau:

+ Vận tải khách du lịch đường bộ: Tập trung phát triển đa dạng các loại hình phương tiện và chất lượng dịch vụ; sử dụng công nghệ mới trong đảm bảo an toàn kỹ thuật, thân thiện với môi trường, tối thiểu đạt tiêu chuẩn khí thải EURO IV;

+ Vận tải khách du lịch đường thủy nội địa: Nâng cao chất lượng phương tiện hoạt động và dịch vụ, đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện, trang bị đầy đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cho hành khách.

[...]