Kế hoạch 179/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị Quyết 178/NQ-CP về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Ninh Bình ban hành
Số hiệu | 179/KH-UBND |
Ngày ban hành | 11/12/2023 |
Ngày có hiệu lực | 11/12/2023 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Ninh Bình |
Người ký | Nguyễn Cao Sơn |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 179/KH-UBND |
Ninh Bình, ngày 11 tháng 12 năm 2023 |
Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2023 về việc thực hiện Kết luận số 49- KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Sở Giao thông Vận tải; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
1. Mục đích
a) Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc mục tiêu, yêu cầu và các giải pháp trọng tâm của Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi là Kết luận số 49-KL/TW và Nghị quyết số 178/NQ-CP).
b) Xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kết luận số 49-KL/TW và Nghị quyết số 178/NQ-CP.
2. Yêu cầu
a) Việc xây dựng và ban hành Kế hoạch của UBND tỉnh phải bám sát quan điểm, mục tiêu của Kết luận số 49-KL/TW và Nghị quyết số 178/NQ-CP nhằm huy động tối đa các nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt đồng bộ, hiện đại, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
b) Cụ thể hóa Kết luận số 49-KL/TW và Nghị quyết số 178/NQ-CP bằng những nhiệm vụ, giải pháp gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình; là căn cứ để các các ngành, địa phương quán triệt, triển khai, tạo sự chuyển biến thực sự trong phát triển giao thông vận tải đường sắt.
c) Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vận tải đường sắt. Đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong phát triển giao thông vận tải đường sắt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện phát triển đường sắt.
1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến
a) Nghiên cứu, quán triệt nội dung của Kết luận số 49-KL/TW và Nghị quyết số 178/NQ-CP ở tất cả các cấp, các ngành để tạo sự thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vận tải đường sắt đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, môi trường và đối ngoại.
b) Công tác tuyên truyền Kết luận số 49-KL/TW và Nghị quyết số 178/NQ-CP tiến hành với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng để tạo nhận thức sâu sắc về cơ hội, thuận lợi, thách thức, tiềm năng, lợi thế của vận tải đường sắt, đổi mới tư duy và đẩy mạnh quyết tâm của các cấp, các ngành về nhiệm vụ phát triển vận tải đường sắt, phát triển khoa học, công nghệ, nhân lực xây dựng hệ thống đô thị văn minh, hiện đại, phân bổ nguồn lực nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vận tải đường sắt.
c) Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu, ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW và Nghị quyết số 178/NQ-CP về phát triển giao thông vận tải đường sắt phù hợp với thực tiễn của ngành, địa phương.
2. Hoàn thiện thể chế, chính sách
a) Tiếp tục tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành đường sắt (sửa đổi Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan) theo hướng đẩy mạnh đầu tư phát triển; đa dạng hóa, huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển đường sắt; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương để đầu tư, phát triển công nghiệp, nguồn nhân lực cho đường sắt.
b) Phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để tạo môi trường thuận lợi, thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đường sắt; nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thủ tục đầu tư; rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước theo hướng các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương tham gia đầu tư phát triển đường sắt quốc gia qua địa bàn.
c) Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực đường sắt;
d) Ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm để phát triển khoa học, công nghệ đường sắt.
đ) Rà soát, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về chuyên ngành đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia xây dựng, quản lý đường sắt.
3. Hoàn thiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan
a) Rà soát, lập quy hoạch tỉnh bảo đảm liên kết, đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo không gian phát triển, gắn kết các tuyến đường sắt với các hành lang kinh tế, các trung tâm kinh tế, đầu mối vận tải trong nước, các khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm logistics lớn, trung tâm bưu chính. Trong đó nghiên cứu phương án mở rộng ga Ninh Bình, xây dựng tuyến đường sắt kết nối ga Ninh Bình với các cảng Ninh Bình, Ninh Phúc, Phúc Lộc...; phương án kết nối ga đường sắt tốc độ cao tại xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô với hạ tầng giao thông khu vực và bố trí quỹ đất để phát triển các đô thị, khu chức năng (theo mô hình TOD).
b) Lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, khai thác không gian ngầm; phát triển các đô thị nén và khuyến khích đầu tư công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng xung quanh các khu ga.
c) Phối hợp với các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, tham gia ý kiến điều chỉnh các Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, Quy hoạch hệ thống du lịch đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành và các quy hoạch khác có liên quan.
4. Huy động nguồn lực để đầu tư giao thông vận tải đường sắt
a) Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, đường sắt vùng.