Kế hoạch 178/KH-UBND năm 2024 triển khai Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 178/KH-UBND
Ngày ban hành 28/02/2024
Ngày có hiệu lực 28/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Phước
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 178/KH-UBND

An Giang, ngày 28 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 1971/QĐ-BCT ngày 02 tháng 8 năm 2023 của Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030,

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang với các nội dung như sau:

I. SƠ LƯỢC HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG THƯƠNG

1. Đánh giá chung

- Về công nghiệp: Mặc dù công nghiệp trong các năm qua được phát triển mở rộng, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, công nghiệp của tỉnh chủ yếu gắn với chế biến nông thủy sản và các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vì vậy phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Thiếu hoặc không có các doanh nghiệp phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại, đội ngũ tri thức khoa học chất lượng cao…Năng lực sản xuất công nghiệp thực tế đều thấp hơn nhiều so với năng lực thiết kế ở hầu hết các mặt hàng chủ lực. Không gian hoạt động sản xuất công nghiệp chủ yếu tập trung tại 03 địa phương: Thành phố Long Xuyên, huyện Châu Thành, huyện Chợ Mới. Riêng các cơ sở sản xuất cá thể phân bổ khá đồng đều ở hầu khắp các huyện, thị, thành phố trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh, tăng dưới 10% giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2021. Trong nội bộ khu vực sản xuất công nghiệp (SXCN), cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm cao nhất, trung bình chiếm khoảng 80% về giá trị sản xuất.

- Về thương mại: Các ngành dịch vụ thương mại nhìn chung đều có xu hướng tăng trưởng qua các năm. Hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiên ích,…được đầu tư phát triển mở rộng; thương mại điện tử được ứng dụng. Tuy nhiên, hoạt động thương mại nội địa với các loại hình truyền thống là chủ yếu, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn rộng lớn. Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng khá ở một số mặt hàng chủ lực, đặc biệt là nông sản. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu nhìn chung chưa đa dạng, chưa phát huy hết tiềm năng phát triển của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu tăng trưởng chậm và thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình của cả nước.

2. Hiện trạng kết cấu hạ tầng và năng lực phát triển ngành công thương

2.1. Hiện trạng kết cấu hạ tầng

a. Hạ tầng công nghiệp và năng lượng

- Về công nghiệp:

+ Khu công nghiệp: Đến nay, 03 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích khoảng 219,97 ha, và cả 03 KCN này đang hoạt động. Ngoài ra, KCN Vàm Cống, thành phố Long Xuyên với quy mô 193,31 ha, đang được nhà đầu tư thực hiện thủ tục xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.

+ Cụm công nghiệp: Hiện nay có 9 cụm công nghiệp (CCN) đã hoạt động, trong đó có 02 CCN do doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, khai thác và quản lý (CCN Long Châu - thị xã Tân Châu, CCN Vĩnh Bình - huyện Châu Thành), 04 CCN do nhà nước đầu tư (CCN Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên; CCN Tân Trung, huyện Phú Tân; CCN An Phú, huyện An Phú; CCN Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc); các cụm công nghiệp nhà nước đầu tư một phần, phần còn lại doanh nghiệp đầu tư: CCN Phú Hòa - huyện Thoại Sơn; CCN Lương An Trà - huyện Tri Tôn.

- Về năng lượng: Địa phương có tổng cộng 4 nhà máy điện mặt trời đang hoạt động, với tổng công suất 256 MW. Ngoài ra tỉnh còn phát triển điện mặt trời áp mái, với công suất lắp đặt trên 146,8 MW.

b. Hạ tầng thương mại và logistics

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 02 trung tâm thương mại, 02 trung tâm mua sắm, 08 siêu thị (trong đó có 01 siêu thị chuyên doanh), 89 cửa hàng tiện lợi và 186 chợ truyền thống, trong đó: 10 chợ hạng II, 176 chợ hạng III phân bổ đều 11 huyện, thị, thành phố.

- Hệ thống kho dự trữ xăng dầu: Trên địa bàn có 9 kho trung chuyển xăng dầu cấp tỉnh có quy mô sức chứa dưới 5.000 m3. Ngoài ra, toàn tỉnh có 563 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (462 cửa hàng mặt đất, 101 xà lan xăng dầu).

- Cơ sở hạ tầng của các khu chức năng tại khu kinh tế cửa khẩu cơ bản hoàn chỉnh như: KCN Xuân Tô (57 ha), Khu thương mại - dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình (34 ha); Khu thương mại - công nghiệp Vĩnh Xương (21 ha).

- Khu vực cửa khẩu: hiện có 08 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung... đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của cư dân, từng bước đảm bảo và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương

- Hạ tầng dịch vụ logistics: Hệ thống kết cấu hạ tầng dịch vụ logistics đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Toàn tỉnh hiện có 7 cảng thủy, trong đó có 02 cảng vận chuyển hàng hóa, 01 cảng hành khách và 04 cảng chuyên dùng.

2.2. Năng lực phát triển ngành công thương

- Về năng lực thương mại: Hoạt động thương mại nội địa phát triển với khoảng 2.500 doanh nghiệp và hơn 110 ngàn hộ cá thể kinh doanh dịch vụ.

- Về năng lực công nghiệp chế biến: Tính đến nay, cả tỉnh có khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp; trong đó, doanh nghiệp xay xát gạo chiếm nhiều nhất (100 doanh nghiệp), kế tiếp là doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản (34 doanh nghiệp), doanh nghiệp chế biến và bảo quản rau quả (7 doanh nghiệp).

- Về năng lực xuất khẩu hàng hóa: hiện có trên 97 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Trong đó có 19 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, 46 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản; 01 doanh nghiệp xuất khẩu rau quả; 12 doanh nghiệp xuất khẩu thuộc ngành hàng may mặc-da giày. Ngoài ra đối với mặt hàng gạo xuất khẩu, còn có 19 doanh nghiệp ngoài tỉnh nhưng có kho chế biến gạo trên địa bàn An Giang.

- Về năng lực phát triển ngành năng lượng tái tạo: với sản lượng trấu, rơm và các phụ phẩm nông nghiệp khác tỉnh An Giang có tiềm năng phát triển thêm các nguồn điện sinh khối, rác thải và điện gió.

[...]