Kế hoạch 3915/KH-UBND năm 2024 triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn đến năm 2030

Số hiệu 3915/KH-UBND
Ngày ban hành 19/09/2024
Ngày có hiệu lực 19/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3915/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 19 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030; Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 05/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 1971/QĐ-BCT ngày 02/8/2023 của Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030; theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Văn bản số 996/SCT-KHTC ngày 26/8/2024; Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành kế hoạch triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Triển khai thực hiện hiệu quả và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành Công Thương trên cơ sở đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển theo Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1971/QĐ-BCT ngày 02/8/2023 của Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030. Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030.

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả thiết thực, tránh hình thức; đồng thời đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, của từng ngành và từng địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tập trung tái cơ cấu đồng bộ các lĩnh vực ngành Công Thương, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Thu hút dự án đầu tư có chọn lọc thuộc các lĩnh vực: Công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, công nghiệp điện tử... phát triển một số ngành công nghiệp mới, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, tạo sự bứt phá và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến 2030.

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Phát triển công nghiệp có trọng điểm, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hướng đến phát triển công nghiệp xanh, bền vững, có khả năng cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng các yêu cầu của thị trường và xuất khẩu.

Ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng các khu công nghiệp trọng điểm đang đầu tư và các khu công nghiệp mới, hạ tầng Logistics, hạ tầng thương mại; nâng cao hiệu quả hoạt động các khu, cụm công nghiệp..., tạo lợi thế chi phí đầu tư hạ tầng để thu hút sản xuất kinh doanh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt từ 10,5% trở lên.

- Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 là 14,1%; giai đoạn 2026 - 2030 là 17,4 %.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021-2030 đạt 13-13,5%/năm.

- Giá trị hàng hóa xuất khẩu bình quân chung cả thời kỳ 2021 - 2030 tăng trên 15%/năm.

- Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng trên đơn vị GRDP giảm 1-1,5%/năm. Phấn đấu đạt mức tiết kiệm từ 7% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn tỉnh vào năm 2030, giảm tổn thất điện năng của lưới điện phân phối dưới 4%.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tái cơ cấu ngành công nghiệp

1.1. Phát triển ngành công nghiệp

a) Phát triển công nghiệp có trọng điểm, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hướng đến phát triển công nghiệp xanh, bền vững, có khả năng cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng các yêu cầu của thị trường và xuất khẩu. Ưu tiên phát triển một số ngành như công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, công nghiệp điện tử... thu hút một số ngành công nghiệp mới, đáp ứng được yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác.

b) Cơ cấu lại các ngành công nghiệp chủ lực theo hướng chuyển dịch từ các ngành thâm dụng tài nguyên, năng lượng, lao động sang các ngành sử dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm năng lượng và lao động, các ngành công nghiệp xanh; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị. Trong đó:

- Đối với ngành công nghiệp truyền thống: Chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa sản phẩm của ngành công nghiệp truyền thống của tỉnh, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường trong nước. Tập trung duy trì và phát triển các ngành như: Hóa chất phân bón, chế biến gỗ giấy, da giầy, vật liệu xây dựng, chế biến chè, chế biến khoáng sản…

+ Ngành công nghiệp hóa chất, phân bón:

Triển khai Kế hoạch phát triển Công nghiệp hóa chất giai đoạn 2021-2030 định hướng đến năm 2040 theo hướng phát triển bền vững, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đặc biệt là tạo ra các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế và năng lực cạnh tranh.

Tạo điều kiện cho sản xuất các loại hóa chất, phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, phù hợp với nhu cầu phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng sản phẩm theo hướng hóa học xanh. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nguyên liệu, sản phẩm trong lĩnh vực hóa dược.

Hình thành chuỗi tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp hóa chất trong cả nước, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hóa chất trên địa bàn.

+ Ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy: Tổ chức trồng rừng, chuyển hóa rừng cây gỗ lớn và quản lý rừng bền vững gắn với doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm gỗ hướng tới xuất khẩu; không chỉ mang lại những lợi ích tích cực về mặt kinh tế, bảo đảm cung ứng nguyên liệu cho sản xuất giấy, chế biến gỗ xuất khẩu, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Chuyển đổi và phát triển quy trình trồng rừng thâm canh áp dụng cho các vùng trồng rừng nguyên liệu giấy, luôn ưu tiên nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ nhằm nâng cao năng suất cho các loại cây nguyên liệu như bạch đàn, keo lai, keo hạt,...

[...]