Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 4691/KH-UBND năm 2024 về tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2030

Số hiệu 4691/KH-UBND
Ngày ban hành 25/06/2024
Ngày có hiệu lực 25/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4691/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 25 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 (gọi tắt là Quyết định số 165/QĐ-TTg); Quyết định số 1971/QĐ-BCT ngày 02/8/2023 của Bộ Công Thương về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2030, với các nội dung cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quan điểm

Thực hiện nhất quán 05 quan điểm chỉ đạo được nêu tại Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai các nhiệm vụ kế hoạch tái cơ cấu phải đồng bộ với các Chương trình, Kế hoạch của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh.

2. Mục đích, yêu cầu

- Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.

- Chủ động, sáng tạo triển khai các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của ngành Công Thương.

- Nghiên cứu, quán triệt, áp dụng đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý nhà nước ngành công thương; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng mô hình quản lý nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại, có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nhanh và bền vững

- Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch một cách đồng bộ và hiệu quả.

- Bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Trung ương và phân cấp quản lý hiện hành.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Quảng Nam cơ bản đạt được các tiêu chí là tỉnh có cơ cấu nền công nghiệp hiện đại, vững mạnh với khả năng thích ứng, chống chịu cao.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt: 28,7 %

- Đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 15 - 16%/năm.

- Tốc độ tăng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) khoảng 17%/năm.

- Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng; phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện truyền tải đáp ứng khả năng chuyển tải công suất nguồn điện được thực hiện; trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Lĩnh vực công nghiệp

Triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án phát triển các ngành công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đưa ngành công nghiệp trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế. Trong đó:

- Tập trung các nhóm dự án công nghiệp chủ lực: Mở rộng Khu phức hợp ô-tô Chu Lai - Trường Hải; phát triển công nghiệp chế biến - chế tạo theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, trong đó ưu tiên các lĩnh vực sản xuất sản phẩm hướng vào xuất khẩu, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

- Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp, hướng vào phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực và ưu tiên thúc đẩy phát triển công nghiệp đi vào chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp, đảm bảo tính chủ động của nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp. Tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa.

- Phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, gồm: công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano,...

- Phát triển hệ thống hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển công nghiệp của tỉnh, nhất là các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn và các lĩnh vực khuyến khích phát triển, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp.

[...]