Kế hoạch 178/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 178/KH-UBND
Ngày ban hành 23/11/2021
Ngày có hiệu lực 23/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Duy Hưng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 178/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 23 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA, DI TÍCH LỊCH SỬ GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2021-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 08/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX về Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, truyền thống lịch sử, con người Hưng Yên hiện đại, vì sự phát triển bền vững;

b) Từng bước đầu tư bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giáo dục truyền thống yêu nước, làm phong phú kho tàng di sản văn hóa, lịch sử dân tộc;

c) Nâng cao công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra trong Quyết định, Nghị quyết, cụ thể hóa bằng các nội dung, nhiệm vụ, đề án, kế hoạch thực hiện cụ thể, phân công rõ đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp, thời gian thực hiện;

b) Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước kết hợp với huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa;

c) Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra để có giải pháp điều chỉnh phù hợp.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2025

a) Lập hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch; 05 di tích quốc gia; 30 di tích cấp tỉnh;

b) Lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với 02 hiện vật;

c) Phấn đấu cơ bản hoàn thành khôi phục đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch;

d) Phấn đấu tôn tạo, chống xuống cấp trên 100 di tích xếp hạng quốc gia, xếp hạng cấp tỉnh từ nguồn ngân sách các cấp và huy động từ nguồn xã hội hóa theo thứ tự ưu tiên căn cứ mức độ xuống cấp của di tích;

đ) Phấn đấu 100% di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được kiểm kê khoa học; 05 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

e) Phấn đấu 100% di tích đã được xếp hạng được quản lý, bảo vệ thường xuyên;

f) Phấn đấu đón 2,5-3,5 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó 40- 45 nghìn lượt khách quốc tế; phát triển số lượng cơ sở lưu trú đạt 9.450-10.000 buồng, trong đó tỷ lệ buồng đạt chất lượng 3 sao trở lên chiếm 20%.

2. Định hướng đến năm 2030

a) Tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp khoảng 150 di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia từ ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa;

b) Tiếp tục lựa chọn các di sản văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử văn hóa, hiện vật tiêu biểu, đủ điều kiện để lập hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xếp hạng di tích, công nhận bảo vật quốc gia;

c) Tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ học tại di tích chùa Hương Lãng (huyện Văn Lâm), trên cơ sở đó phục dựng lại di tích theo nguyên bản thời Lý tạo thành điểm nhấn văn hóa, sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch;

d) Phấn đấu hoàn thành phục dựng đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch; quy hoạch khu di tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung; quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu vực làng Nôm; quy hoạch khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, khu di tích đền Phù ng, di tích quốc gia đặc biệt đến An Xá (Đậu An);

đ) Phấn đấu xây dựng Khu du lịch Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) trở thành Khu du lịch quốc gia;

e) Phấn đấu đón 4,5-5,5 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó có 60-70 nghìn lượt khách quốc tế; phát triển số lượng cơ sở lưu trú đạt 15.400- 16.000 buồng, trong đó tỷ lệ buồng đạt chất lượng 3 sao trở lên chiếm 30%.

[...]