Kế hoạch 2448/KH-UBND năm 2021 thực hiện Quyết định 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 2448/KH-UBND
Ngày ban hành 02/11/2021
Ngày có hiệu lực 02/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2448/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 02 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1230/QĐ-TTG NGÀY 15/7/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BỀN VỮNG GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM, GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao ý thức, trách nhiệm các cấp, các ngành và cộng đồng trong thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa; thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.

2. Yêu cầu

Các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức triển khai thực hiện những nội dung và giải pháp của Chương trình phù hợp với điều kiện, tình hình của đơn vị, địa phương; đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, thiết thực, tránh lãng phí. Hàng năm, có sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm, định hướng xây dựng nhiệm vụ và giải pháp cho năm tiếp theo, góp phần triển khai thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đạt hiệu quả và hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

II. NỘI DUNG

1. Nhiệm vụ chủ yếu

1.1. Hoàn thành việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.2. Tu bổ, tôn tạo tổng thể các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt và các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh có giá trị tiêu biểu.

1.3. Thực hiện các dự án chỉnh trang nội dung trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, bao gồm: Duy tu, bảo trì hệ thống trưng bày và kho lưu giữ hiện vật, nhất là công tác trưng bày và bảo quản các di vật, bảo vật; thực hiện kiểm kê, sưu tầm các di vật, hiện vật, cổ vật quý hiếm để bổ sung vào kho hiện vật.

1.4. Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu của tỉnh:

- Triển khai có hiệu quả công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; bao gồm công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

- Xây dựng hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc các di sản có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

- Triển khai xây dựng Đề án, Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

- Tổ chức các cuộc Liên hoan, Giao lưu, Ngày hội văn hóa - thể thao truyền thống để tuyên truyền, quảng bá và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn.

- Tổ chức các lớp truyền dạy thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc để kết hợp phát triển kinh tế du lịch của tỉnh nhà.

1.5. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong di sản văn hóa:

- Thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý ở lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể (trưng bày, thuyết minh, bảo quản, tu bổ, phục chế, thực hành, trao truyền...).

- Tư liệu hóa, số hóa phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; phát triển các ứng dụng, công nghệ số nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại di tích, bảo tàng, điểm tham quan, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

1.6. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa:

- Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp phụ trách trên lĩnh vực di sản văn hóa; tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Trung ương, tnh tổ chức, góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho nguồn nhân lực di sản văn hóa của tỉnh.

- Tạo điều kiện cho lực lượng hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hóa tham gia các cuộc thi, hoạt động chuyên môn, chuyên ngành đánh giá chất lượng nguồn nhân lực ngành di sản văn hóa do các cơ quan trung ương tổ chức, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập.

1.7. Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa trong và ngoài nước:

- Trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phục vụ tốt nhu cầu khách tham quan; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh.

- Tích cực tham gia các liên hoan, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể, các cuộc thi sáng tác, triển lãm về di sản văn hóa.

[...]