ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3579/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 05
tháng 10 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BỀN VỮNG
GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM, GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Thực hiện Quyết định số
1230/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt
Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai
đoạn 2021-2025; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả
công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình văn hóa có giá
trị tiêu biểu, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc
trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người tỉnh Kon
Tum vì sự phát triển chung, bền vững của đất nước.
2. Yêu cầu
- Công tác bảo tồn và phát huy
bền vững giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm tính đồng bộ,
phù hợp, hiệu quả, hài hoà giữa các địa phương và bản sắc văn hóa đặc trưng
riêng của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.
- Phát huy tối đa mọi nguồn lực,
sự chung tay thực hiện của các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và sự
hưởng ứng tích cực của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
II. ĐỐI TƯỢNG,
PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng và phạm vi thực
hiện
- Hệ thống di sản văn hóa vật thể,
văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức, cá nhân, cơ quan,
đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2. Thời gian thực hiện: Giai
đoạn 2021- 2025.
III. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nhiệm vụ
chủ yếu
a) Hoàn thành việc lập quy hoạch
bảo tồn, tôn tạo và phát huy Di tích cấp quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng
Đăk Tô - Tân Cảnh.
b) Tu bổ, tôn tạo tổng thể các
di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ
được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh
có giá trị tiêu biểu, cụ thể:
- Đầu tư tu bổ, tôn tạo ít nhất
01 di tích quốc gia đặc biệt; trong đó, xem xét tập trung ưu tiên thực hiện đối
với di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh.
- Đầu tư tu bổ, tôn tạo ít nhất
03 di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến quan trọng, tiêu biểu trong cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; trong đó, xem xét tập trung ưu
tiên thực hiện đối với di tích cấp quốc gia.
- Hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ
cấp thiết ít nhất 10 di tích cấp tỉnh.
c) Thực hiện các dự án chỉnh
trang nội dung trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày bảo
tàng, bao gồm: Duy tu, bảo trì hệ thống trưng bày và kho lưu giữ hiện vật của bảo
tàng tỉnh; kiểm kê, sưu tầm di vật, hiện vật, cổ vật quý hiếm.
d) Xây dựng và triển khai các
chương trình, đề án, nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị các di sản
văn hoá phi vật thể, di sản tư liệu có giá trị tiêu biểu:
- Triển khai có hiệu quả Đề án,
kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh: Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 30 tháng 7
năm 2021 ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng
chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 2193/KH-UBND ngày 29
tháng 6 năm 2021 về việc tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số
tỉnh Kon Tum; Kế hoạch số 3113/KH-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2021 phê duyệt về Bảo
tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các dân tộc thiểu
số tại chỗ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025.
- Xây dựng và triển khai chương
trình, kế hoạch, đề án bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể
đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Kiểm kê, xây dựng danh mục
các di sản văn hoá phi vật thể, di sản tư liệu; tập trung sưu tầm, xác định
danh mục các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu, quan trọng và cần được lưu
giữ, phát huy giá trị.
- Xây dựng Hồ sơ khoa học các
di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc các di sản có nguy cơ mai
một, cần được bảo vệ khẩn cấp đề nghị ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi
vật thể quốc gia; ưu tiên đối với di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các
dân tộc khu vực biên giới.
- Tổ chức các lớp truyền dạy thực
hành di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng. Bảo tồn và phát huy giá trị
các làng truyền thống tiêu biểu, để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch.
đ) Triển khai ứng dụng công nghệ
thông tin trong di sản văn hóa:
- Thực hiện các chương trình, dự
án, nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản
lý ở lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu (trưng
bày, thuyết minh, bảo quản, tu bổ, phục chế, thực hành, trao truyền…).
- Phối hợp thực hiện tư liệu
hóa, số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; phát triển
các ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan
tại di tích, bảo tàng, điểm tham quan, điểm du lịch…
e) Nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực di sản văn hóa, tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao
năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho nguồn nhân lực thực hiện
công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch tổ chức.
g) Chú trọng tuyên truyền, giới
thiệu, quảng bá di sản văn hóa của tỉnh Kon Tum với các hình thức trưng bày,
triển lãm tại bảo tàng tỉnh; thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền
thông; tổ chức các hoạt động văn hóa (Hội thi, liên hoan, trình diễn di sản
văn hóa phi vật thể) và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức
trong, ngoài nước.
2. Giải
pháp thực hiện
a) Phổ biến, nâng cao nhận thức,
pháp luật về di sản văn hóa: Tăng cường phổ biến, tuyên truyền trên các phương
tiện thông tin đại chúng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy
giá trị di sản văn hóa, kết quả thực hiện chương trình; phối hợp với các cơ
quan báo chí xây dựng chuyên trang, chuyên mục về bảo tồn và phát huy giá trị
di sản văn hóa.
b) Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực
thực hiện kế hoạch: Huy động sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và xã
hội đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để tranh thủ nguồn
lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này.
c) Cơ chế phân bổ nguồn lực:
Trên cơ sở khả năng nguồn lực ngân sách tỉnh và hỗ trợ của ngân sách Trung
ương, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phân bổ kinh
phí để thực hiện Kế hoạch theo quy định hiện hành.
IV. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được
bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước (Ngân sách Trung ương và ngân sách địa
phương) phù hợp với khả năng cân đối ngân sách theo quy định của Luật Ngân
sách nhà nước và quy định của pháp luật về đầu tư công; nguồn đầu tư, tài trợ từ
các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp
khác; trong đó:
1. Nguồn vốn đầu tư phát triển
xem xét ưu tiên bố trí để triển khai thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo tổng thể
các hạng mục yếu tố gốc của di tích quốc gia đặc biệt; tu bổ, tôn tạo các di
tích cách mạng - kháng chiến quan trọng, tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
2. Nguồn vốn ngân sách sự nghiệp
bố trí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp
thiết các di tích quốc gia do địa phương quản lý và di tích cấp tỉnh; lập quy
hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt do địa phương quản
lý; dự án chỉnh trang nội dung trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống
trưng bày bảo tàng; các nhiệm vụ, đề án bảo vệ và phát huy giá trị các di sản
văn hoá phi vật thể, di sản tư liệu; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin;
đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về di sản văn hóa; tuyên
truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa được cấp trong dự toán chi thường
xuyên hàng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
- Hằng năm, chủ trì, phối hợp với
các Sở, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức
đánh giá về tính chính xác, cấp thiết, lựa chọn các di sản cần đầu tư bảo tồn,
di tích ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo thuộc phạm vi thực hiện của Kế hoạch (Quy
định tại điểm b mục 1 phần III của Kế hoạch này), tham mưu trình Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
+ Triển khai thực hiện mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch theo chức năng, thẩm quyền; hướng dẫn,
đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp và báo cáo kết
quả thực hiện theo quy định.
+ Đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch bố trí nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ do Trung
ương bố trí nguồn kinh phí thực hiện thuộc phạm vi quy định tại Chương trình Bảo
tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025
trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2. Sở Kế
hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành, địa phương có liên
quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí các nguồn vốn đầu tư phát
triển cho các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch theo quy định của pháp
luật về đầu tư công.
3. Sở Tài
chính
Căn cứ tình hình thực tế và khả
năng cân đối ngân sách địa phương, vốn hỗ trợ của Trung ương, phối hợp với Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền
xem xét, bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật
ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng
năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
4. Sở Thông
tin và Truyền thông
- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ
quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội
về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa với nhiều hình thức trên sóng phát
thanh, sóng truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử, tạp chí,
đặc san, áp phích…
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch truyền thông, quảng bá những kết quả thực hiện theo Kế hoạch nhằm
huy động có hiệu quả các nguồn lực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di
sản văn hóa của Việt Nam nói chung và Kon Tum nói riêng.
5. Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố
- Xây dựng kế hoạch, dự toán
chi tiết và bố trí ngân sách theo phân cấp quản lý; chủ động huy động các nguồn
vốn hợp pháp khác để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch
tại địa phương gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính để tổng hợp,
theo dõi.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành, đơn vị liên quan:
+ Tổ chức rà soát, đánh giá và
lựa chọn đề xuất các di sản văn hóa cần được đầu tư bảo tồn, tôn tạo thuộc phạm
vi thực hiện của Kế hoạch (Quy định tại điểm b mục 1 phần III của Kế hoạch
này) gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính để tổng hợp, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
+ Thực hiện trình tự, thủ tục đầu
tư dự án tu bổ, tôn tạo di sản, di tích do địa phương quản lý theo quy định của
pháp luật về đầu tư công, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch để tổng hợp, quản lý.
- Chịu trách nhiệm về số liệu,
tiến độ thực hiện, nội dung; sử dụng kinh phí đúng mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng
có hiệu quả, không để thất thoát; về việc không thực hiện được mục tiêu, nhiệm
vụ, giải pháp của Kế hoạch trên địa bàn.
6. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh:
Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và
Nhân dân tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch.
Căn cứ nội dung Kế hoạch, các
đơn vị, địa phương triển khai thực hiện; định kỳ trước ngày 05 tháng 12 hàng
năm báo cáo kết quả triển khai về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo
cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tinh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban ngành, đoàn thể CT-XH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Kon Tum, Đài PTTH tỉnh;
- CVP UBND tỉnh, PCVP phụ trách;
- Lưu VT, CTTĐT, KGVX.THT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Y Ngọc
|