Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2022 về thống kê, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 177/KH-UBND
Ngày ban hành 01/11/2022
Ngày có hiệu lực 01/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 177/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 01 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỐNG KÊ, RÀ SOÁT, ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ TRONG CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 1085 của Thủ tướng Chính phủ); Văn bản số 6828/VPCP-KSTT ngày 14/10/2022 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 - 2025, cụ thể như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ

1. Đối tượng thống kê, rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Ninh Bình, gồm: Các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các phòng, ban thuộc UBND cấp huyện; UBND các xã, phường, thị trấn.

2. Phạm vi rà soát:

a) Đối với TTHC nội bộ được xác định tại Kế hoạch số 1085 của Thủ tướng Chính phủ: TTHC nội bộ giữa các sở, ngành và tương đương thuộc UBND tỉnh với nhau; giữa UBND tỉnh/sở, ngành và tương đương thuộc UBND tỉnh với UBND huyện/phòng, ban và tương đương thuộc UBND huyện, UBND xã tại văn bản do Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND/Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền.

b) TTHC nội bộ trong từng đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh: Thực hiện rà soát tại các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Các TTHC không thuộc phạm vi Kế hoạch: TTHC thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 63/2021/NĐ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ về kiểm soát TTHC; thủ tục xử lý vi phạm hành chính, thủ tục thanh tra và TTHC có nội dung bí mật nhà nước.

Chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.

II. MỤC TIÊU

1. Về thống kê, công bố, công khai TTHC nội bộ

Trước ngày 01 tháng 4 năm 2023, 100% TTHC nội bộ thuộc thẩm quyền quản lý của các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được thống kê, công bố (lần đầu) và được công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.

2. Về rà soát, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa

Trước ngày 01/01/2025, 100% TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh được rà soát, đơn giản hóa, bảo đảm đạt tỷ lệ cắt giảm ít nhất 20% TTHC và 20% chi phí tuân thủ TTHC. Trong đó:

- Trước ngày 01/01/2024: Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã rà soát, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với ít nhất 50% TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý.

- Trước ngày 01/01/2025: Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã rà soát, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 100% TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý.

III. KHÁI NIỆM, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TTHC NỘI BỘ

1. TTHC nội bộ: Theo Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TTHC nội bộ được hiểu là: Trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết công việc cụ thể cho cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN), đơn vị thuộc CQHCNN hoặc bảo đảm việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong CQHCNN.

2. Dấu hiệu nhận biết TTHC nội bộ

TTHC nội bộ có các dấu hiệu nhận biết sau đây:

a) Được quy định trong văn bản (văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính) do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành.

b) Được quy định dưới dạng hành động để giải quyết công việc cụ thể cho CQHCNN, đơn vị trực thuộc CQHCNN hoặc bảo đảm việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong CQHCNN.

c) Quy định TTHC xuất phát từ yêu cầu cụ thể và nhằm mục tiêu giải quyết công việc cho cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước (không xuất phát từ tổ chức, cá nhân ngoài cơ quan hành chính nhà nước).

IV. NGUYÊN TẮC, NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

1. Nguyên tắc thực hiện thống kê TTHC nội bộ

Sở, ban, ngành nào ban hành văn bản hoặc chủ trì, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định TTHC (văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính) nội bộ thì sở, ban, ngành đó thống kê, trình UBND tỉnh công bố TTHC nội bộ; rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC.

Trường hợp các bộ phận cấu thành của TTHC được quy định tại nhiều văn bản do các sở, ban, ngành khác nhau ban hành hoặc tham mưu ban hành, thì TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sở, ban, ngành nào thì sẽ do sở, ban, ngành đó rà soát, các sở, ban, ngành khác phối hợp (trường hợp đặc biệt do UBND tỉnh phân công).

[...]