Kế hoạch 173/KH-UBND năm 2023 về đầu tư công năm 2024 thực hiện nhiệm vụ “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 173/KH-UBND
Ngày ban hành 13/08/2023
Ngày có hiệu lực 13/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 173/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 13 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2024 THỰC HIỆN NHIỆM VỤ “CẢI THIỆN DINH DƯỠNG” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Công văn số 5004/BYT-BM-TE ngày 08/8/2023 của Bộ Y tế về việc đề xuất nội dung hoạt động và kinh phí năm 2024 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2024 thực hiện nhiệm vụ “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

A. KẾT QUẢ THỰC HIỆN 6 THÁNG ĐẦU NĂM, KHẢ NĂNG THỰC HIỆN 9 THÁNG VÀ ƯỚC THỰC HIỆN CẢ NĂM 2023

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

- UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch: số 162/KH-UBND ngày 19/7/2022 thực hiện Chương trình MTQG GNBV trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025; số 195/KH-UBND ngày 15/9/2022 thực hiện “Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021 - 2025” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; số 62/KH-UBND ngày 13/3/2023 thực hiện Chương trình MTQG GNBV năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

- Sở Y tế đã ban hành các Kế hoạch: số 74/KH-SYT ngày 30/8/2022 thực hiện Tiểu dự án 2 “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; số 19/KH-SYT ngày 31/01/2023 thực hiện Tiểu dự án 2 “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình MTQG GNBV giai năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn1 và chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế các huyện, thành phố xây dựng các kế hoạch thực hiện trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, của tỉnh.

II. KẾT QUẢ PHÂN BỔ, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

- UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định: số 1180/QĐ-UBND ngày 15/7/2022 về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025; số 1966/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

- Căn cứ Quyết định phân bổ kinh phí của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã thực hiện phân bổ kinh phí cho các đơn vị chủ trì thực hiện Dự án, Tiểu dự án để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023, trong đó:

+ Ngân sách trung ương: tổng kinh phí 5.314.000.000 đồng, 6 tháng đầu năm đã giải ngân 279.937.000 đồng, khả năng thực hiện 9 tháng 1.618.545.000 đồng, ước thực hiện cả năm 3.968.296.000 đồng.

+ Huy động khác: không.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦA NGÀNH Y TẾ

1. Dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng

Tiểu dự án 2. Cải thiện dinh dưỡng

1.1. Tăng cường việc tiếp cận với các can thiệp trực tiếp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn

1.1.1. Hoạt động can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, trẻ em 0 - 16 tuổi

- Cung cấp các dịch vụ tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ từ lúc mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi (chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, lợi ích của bổ sung viên sắt/đa vi chất cho phụ nữ mang thai, cho trẻ bú sớm trong vòng 01 giờ đầu sau sinh, bú hoàn toàn trong sáu tháng đầu, bú kéo dài 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn, cho trẻ ăn thức ăn bổ sung đa dạng và phù hợp với nhóm tuổi...). Việc cung cấp dịch vụ tư vấn được tổ chức độc lập hoặc lồng ghép vào các thời điểm khám thai và tiêm chủng, cụ thể như sau:

+ Trên 90% phụ nữ mang thai (PNMT) được tư vấn dinh dưỡng như: chế độ dinh dưỡng hợp lý khi mang thai, chế độ nghỉ ngơi, bổ sung viên sắt, viên đa vi chất phòng, chống thiếu máu thiếu sắt. Việc tư vấn cho phụ thực hiện tại trạm y tế do cán bộ y tế xã thực hiện trong các đợt khám thai định kỳ;

+ Hoạt động bổ sung đa vi chất cho PNMT năm 2023, từ tháng 6 thực hiện bổ sung đa vi chất tại 02 huyện nghèo của tỉnh (Bình Gia, Văn Quan) nguồn do trung ương cấp2: tổng số PNMT được nhận đa vi chất 476/823 tổng số PNMT, đạt 57,6%; 09/11 huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch mua viên đa vi chất cấp cho PNMT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo theo quy định, tuy nhiên quá trình mua sắm phụ thuộc vào kết quả đấu thầu;

+ Trên 60% bà mẹ có con dưới 2 tuổi được tham gia các lớp, buổi thực hành dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Trên 60% bà mẹ có con < 5 tuổi được cung cấp kiến thức dinh dưỡng hợp lý và chăm sóc trẻ. Việc tư vấn dinh dưỡng chủ yếu theo phương thức thức truyền thông, nói chuyện trực tiếp với các bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng và tập chung chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời;

+ Tổng số trẻ dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi: 1.279/18.425 trẻ được cân; luỹ kế: 7.001/112.283 trẻ được cân3;

+ Tổng số trẻ sinh ra < 2.500 gram/tổng số trẻ đẻ ra sống được cân là 19 trẻ/636 trẻ đẻ ra sống được cân; luỹ kế 6 tháng là 90 trẻ/3.874 trẻ đẻ ra sống được cân, chiếm tỷ lệ 2,3%;

+ Số bà mẹ sau đẻ được uống bổ sung vitamin A trong tháng là 394/644 (đạt 61,2%); luỹ kế 6 tháng là 2.315/3.209 (đạt 72,1%);

+ Dự kiến điều tra đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi vào tháng 9 - 11/2023;

+ Bổ sung Vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi đợt 1 năm 2023, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp cấp với nguồn Vitamin A do Viện Dinh dưỡng quốc gia cấp, kết quả triển khai bổ sung đạt 99% (30.468/30.671)4.

- Việc cung cấp sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em từ 6 tháng - 23 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi bổ sung vào bữa ăn của trẻ (bột đa vi chất, sữa dinh dưỡng...) và trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chung, về cơ bản các huyện, thành phố đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch và đang tiến hành các thủ tục mua sắm đấu thầu các sản phẩm dinh dưỡng theo quy định.

- Đã triển khai phát hiện, điều trị và quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 - 72 tháng tại cộng đồng; điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại bệnh viện.

[...]