Kế hoạch 1725/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2018-2021 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 1725/KH-UBND
Ngày ban hành 03/07/2018
Ngày có hiệu lực 03/07/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Trần Thị Nga
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1725/KH-UBND

Kon Tum, ngày 03 tháng 7 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA KHỐNG CHẾ VÀ TIẾN TỚI LOẠI TRỪ BỆNH DẠI GIAI ĐOẠN 2018 - 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội;

2. Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017- 2021”;

3. Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 06/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng chống bệnh dại;

4. Quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát phòng, chống bệnh dại trên người;

5. Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

II. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH

1. Tình hình bệnh dại trên địa bàn

- Từ năm 2016 đến nay, hàng năm trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại.

- Tính từ đầu năm đến hết ngày 30/4/2018, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 04 trường hợp tử vong do bệnh dại (thành phố Kon Tum 03, huyện Đăk Glei 01).

- Hầu hết các ca mắc bệnh dại đều ghi nhận ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (xã Đăk Choong, Đăk Man, Đăk Môn - huyện Đăk Glei, xã Ya Chim, Ngọk Bay, Đăk Rơ Wa - thành phố Kon Tum).

- 100% số trường hợp mắc bệnh dại đều tử vong do không tiêm phòng vắc xin điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.

2. Nhận định, dự báo

- Hiện nay thời tiết đang vào mùa hè, nguy cơ ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại rất lớn (do thời tiết nắng nóng phù hợp cho sự phát triển của vi rút dại trên động vật).

- Số người bị phơi nhiễm với vi rút dại trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có nguy cơ cao, đa số là những người ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn không có điều kiện để đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị động vật (chó, mèo) cắn.

- Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin trên động vật nuôi còn thấp, theo Báo cáo số 475/BC-VTN ngày 14/11/2017 của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, trong 9 tháng đầu năm 2017 số lượng mũi tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó tại tỉnh Kon Tum chỉ đạt 22,54% (vùng có ca tử vong dại, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó chỉ đạt 58,66%).

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Khống chế bệnh dại trên người vào năm 2021 nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm 60% số huyện, thành phố có nguy cơ cao về bệnh dại trên người.

- Giảm 60% số người tử vong do bệnh dại vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh dại trung bình giai đoạn 2011- 2015.

3. Chỉ tiêu cụ thể

- Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 điểm tiêm vắc xin phòng dại đảm bảo đúng quy định về công tác tiêm chủng.

- 100% các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) thuộc khu vực nguy cơ cao đều có điểm tiêm vắc xin phòng dại đảm bảo đúng quy định về công tác tiêm chủng.

- 100% các đối tượng phơi nhiễm vi rút dại được lập danh sách quản lý, được tiêm vắc xin dại theo quy định, được theo dõi và tư vấn về phòng chống bệnh dại.

- 100% những người có nguy cơ cao về phơi nhiễm vi rút dại được lập danh sách quản lý, được tiêm vắc xin dại theo quy định, được theo dõi và tư vấn về phòng chống bệnh dại.

[...]