Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2018 về tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
Số hiệu | 08/CT-UBND |
Ngày ban hành | 26/04/2018 |
Ngày có hiệu lực | 26/04/2018 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Tiền Giang |
Người ký | Phạm Anh Tuấn |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND |
Tiền Giang, ngày 26 tháng 4 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
Trong những năm gần đây, tình hình bệnh Dại trên động vật trong nước ngày càng diễn biến phức tạp; tính trong 05 năm (2012 - 2016), ở Việt Nam trung bình mỗi năm có khoảng 400.000 người phải đi điều trị dự phòng và 92 người tử vong do chó dại cắn. Riêng ở Tiền Giang, trung bình mỗi năm có 14.000 người phải đi điều trị dự phòng và năm 2012 có 01 người tử vong do chó dại cắn. Nguyên nhân chủ yếu xảy ra bệnh Dại là do đàn chó, mèo nuôi không được tiêm vắc xin dại triệt để, hiện tượng chó nuôi thả rông còn phổ biến.
Để tập trung ngăn chặn có hiệu quả bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất số người tử vong do bệnh dại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an sinh xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 06 năm 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại; Công điện khẩn số 2704/CĐ-BNN-TY ngày 10 tháng 4 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh Dại năm 2018 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;
b) Tổ chức triển khai thực hiện tốt Tháng cao điểm phòng chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Xây dựng kế hoạch và chủ trì phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Tháng cao điểm, hàng năm phòng chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh;
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị liên quan triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng. Xây dựng và cung cấp tài liệu truyền thông trong phòng chống bệnh Dại trên người và động vật cho các địa phương để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền;
c) Phối hợp với Sở Y tế và Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch nhằm đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng;
d) Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc xin, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống bệnh Dại trên động vật để đáp ứng mọi tình huống khi dịch bệnh xảy ra;
đ) Phối hợp các ngành chức năng kiểm tra công tác phòng chống bệnh Dại ở động vật trên địa bàn tỉnh theo quy định;
e) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh điều hành, xử lý kịp thời và có hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh Dại hàng năm; định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, năm và đột xuất tổng hợp tình hình phòng, chống bệnh Dại trên động vật, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
3. Sở Y tế
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế. Công khai địa chỉ các cơ sở y tế trên địa bàn và hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý vết thương và tiêm phòng vắc xin, huyết thanh kháng bệnh Dại. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh Dại hoặc người bị chó, mèo cắn.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế tổ chức tuyên truyền cho giáo viên, học sinh các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nâng cao hiểu biết về tính chất nguy hiểm, hậu quả của bệnh Dại đối với sức khỏe và tính mạng cộng đồng
5. Sở Tài chính
Hàng năm, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên động vật, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí kinh phí để thực hiện theo quy định.
6. Các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, căn cứ kế hoạch chung của tỉnh, rà soát, xây dựng cụ thể kế hoạch và tổ chức chỉ đạo, điều hành, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hỗ trợ Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh Dại trong ngành, đơn vị mình quản lý.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh Dại ở người và động vật. Người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý;
b) Căn cứ kế hoạch phòng chống bệnh Dại hàng năm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh Dại phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình;
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, lập danh sách hộ nuôi chó, mèo và số lượng vật nuôi; yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký và tiêm phòng chó, mèo nuôi theo đúng quy định pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 85% so với tổng đàn nuôi. Tổ chức đợt cao điểm tiêm phòng vắc xin bệnh Dại cho đàn chó, mèo hàng năm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung vắc xin bệnh Dại cho đàn chó, mèo liên tục trong năm, tránh bỏ sót đối tượng phải tiêm phòng; thành lập tổ, đội bắt chó có dấu hiệu mắc bệnh, mắc bệnh dại và chó thả rông trong vùng có ổ dịch Dại để xử lý;
d) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống bệnh dại ở động vật trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh truyền hình cấp huyện và Đài truyền thanh cấp xã). Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân trong việc nuôi chó, mèo: nuôi chó phải đăng ký, phải nuôi nhốt, xích hoặc rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng, phải chấp hành tiêm phòng vắc xin dại, tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y về các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý. Công khai danh sách những hộ nuôi chó không chấp hành tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi. Chủ nuôi chó phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật nếu để chó cắn người hoặc thả rông chó gây tai nạn;
đ) Phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn cho cán bộ thú y, y tế dự phòng để nâng cao kỹ năng giám sát, điều tra ổ dịch, thu thập thông tin dịch tễ về bệnh dại trên người và động vật;
e) Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, mèo và tiêm phòng vắc xin dại được quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.