Kế hoạch 1684/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo, tiểu học từ năm 2017 đến năm 2020 tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 1684/KH-UBND
Ngày ban hành 14/09/2017
Ngày có hiệu lực 14/09/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1684/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 14 tháng 9 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG GÓP PHẦN NÂNG CAO TẦM VÓC TRẺ EM MẪU GIÁO, TIỂU HỌC TỪ NĂM 2017 ĐẾN NĂM 2020 TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08 tháng 07 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình xây dựng Kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh với một số nội dung như sau:

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH SỨC KHOẺ DINH DƯỠNG TRẺ EM

1. Thực trạng thiếu dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam

Theo kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2014, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam trong ba thập kỷ qua đã được cải thiện đáng kể. Theo đó, tính từ năm 1985 đến năm 2014, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm từ 51,5% xuống còn 14,5 %. Tương tự, tỷ lệ thấp còi cũng giảm từ 59,7% xuống còn 24,9 %.

Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ này thì ở Việt Nam, hiện tại cứ 4 trẻ thì vẫn còn 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao thấp so với tuổi). Nguyên nhân có thể là do tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam vẫn còn cao: tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 29,2%, thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 14,2%, thiếu kẽm (81,2%), thiếu vit D (53,7% ở nông thôn, 62,1% ở thành phố). Đặc biệt, khẩu phần của trẻ cũng chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu canxi và 10,6% nhu cầu vitamin D khuyến nghị, trong khi đây là những vi chất quan trọng giúp trẻ tăng trưởng và khỏe mạnh. Tình trạng thiếu hụt vitamin D và khẩu phần canxi thấp đang là những vấn đề ảnh hưởng đến thể chất và sức khỏe của trẻ em Việt nam.

Tại Quảng Bình, năm 2015, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 18,4%, thể thấp còi chiếm 30,5% và dự ước năm 2016, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 17,5% và thể thấp còi chiếm 29,3%.

2. Dinh dưỡng canxi và sức khỏe xương

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng (năm 2012), nhu cầu canxi cho trẻ 1-3 tuổi là 500mg/ngày và cho trẻ 4-6 tuổi là 600mg/ngày. Tuy vậy, nhu cầu canxi cũng có sự thay đổi tùy theo chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ.

Dinh dưỡng có ảnh hưởng rất quan trọng tới tăng trưởng trẻ em. Đặc biệt, trong khẩu phần trẻ em nước ta, các yếu tố dinh dưỡng rất cần thiết đối với quá trình tăng trưởng chiều cao là canxi và vitamin D lại chưa đáp ứng được nhu cầu.

Nguồn cung cấp canxi của cơ thể gồm canxi từ thức ăn (như thực phẩm tự nhiên, thực phẩm được tăng cường canxi) và việc uống canxi bổ sung. Những thực phẩm giàu canxi như sữa, phomát, sữa chua, đậu nành; Các loại rau xanh (rau cải, rau bó xôi…); đậu khô, trái cây (nhất là trái cây có múi như bưởi, cam); Các loại thức ăn nhiều đạm (cá hộp, thịt, sò, ốc).

Sữa chứa nhiều canxi và là nguồn canxi tối ưu cho bé phát triển chiều cao, có một bộ xương vững chắc sau này. Thông thường với những trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, bữa ăn của trẻ thường khá nghèo canxi (ít sữa). Phần lớn nguồn protein trong khẩu phần đều từ các thực phẩm như thịt, giò, chả, trứng… chưa mang lại tính cân đối và hợp lý cho khẩu phần, khiến việc hấp thu và sử dụng canxi cho cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Bữa ăn của trẻ thường nghèo canxi (ít sữa) nhất là đối với trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Vì thế mức đáp ứng nhu cầu canxi của trẻ em nước ta mới chỉ đạt ở mức xung quanh 60.3% và thấp hơn ở trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi (49%). Như vậy có thể thấy, đối với trẻ em, sữa và chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp protein và canxi quý giá.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Quảng Bình góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

2. Các chỉ tiêu cụ thể

- Đến năm 2020, có 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.

- Đến năm 2020, có 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các xã nghèo đặc biệt khó khăn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.

- Đến năm 2020, có 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.

- Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 90% - 95% vào năm 2020.

- Tăng tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40% vào năm 2020.

- Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020.

- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm.

- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm.

- Đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 cm - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

[...]