Kế hoạch 1680/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 1680/KH-UBND
Ngày ban hành 05/03/2024
Ngày có hiệu lực 05/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Võ Ngọc Hiệp
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1680/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 05 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Căn cứ Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 31/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;

Căn cứ Kế hoạch số 104-KH/TU ngày 31/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán;

Căn cứ Văn bản số 3569-CV/TU ngày 22/02/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo công tác kê khai tài sản, thu nhập;

Thực hiện Văn bản số 2354/TTCP-KHTH ngày 23/10/2023 của Thanh tra Chính phủ về hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2024;

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (sau đây viết tắt PCTNTC) theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; nâng cao ý thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

b) Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong công tác PCTNTC. Tăng cường công tác tuyên truyền; triển khai các biện pháp phòng ngừa; đẩy mạnh cải cách hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

c) Huy động sự tham gia của Nhân dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tổ chức trong PCTNTC.

2. Yêu cầu:

a) Xác định công tác PCTNTC là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương, đơn vị và tổ chức ngoài nhà nước; từng nhiệm vụ, giải pháp có phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị tham mưu, thực hiện nhằm triển khai có hiệu quả công tác PCTNTC trên địa bàn tỉnh.

b) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; rà soát các thể chế về PCTNTC của ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính và có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; kịp thời xử lý nghiêm hành vi tham nhũng; triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

c) Các cơ quan, địa phương, đơn vị xác định những nội dung, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, địa phương, đơn vị mình để xây dựng các giải pháp PCTNTC thích hợp, hiệu quả; xác định trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, địa phương, đơn vị và đưa việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp PCTNTC là một trong các tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.

d) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về PCTNTC để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn nhận thức đúng, chấp hành tốt các quy định về PCTNTC; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có phẩm chất đạo đức, có năng lực, chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ được giao.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC. Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch PCTNTC của cơ quan, địa phương, đơn vị có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, chú trọng công tác phòng ngừa, tự kiểm tra nội bộ, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện pháp luật về PCTNTC; tăng cường phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

2. Xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật; kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật về PCTNTC:

a) Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phạm vi, nội dung điều chỉnh của pháp luật về PCTNTC nhằm kịp thời phát hiện các nội dung bất cập, là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng; trong đó, tập trung các lĩnh vực: tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, khoáng sản, xây dựng, đấu thầu, đấu giá, thuế…; rà soát các văn bản liên quan đến Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các chính sách pháp luật khác có liên quan phải thực hiện trong năm 2024 để chủ động triển khai thực hiện hoặc tham mưu, đề xuất cụ thể hóa kịp thời. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế hoạt động và chỉ đạo của cơ quan cấp trên để rà soát, hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, điều hành việc thực hiện công tác PCTNTC theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.

b) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ yêu cầu, kế hoạch của Bộ, ngành cấp trên; chức năng, nhiệm vụ và thực tế tình hình quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực để lựa chọn và xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật gắn với nhiệm vụ theo dõi, thực hiện công tác PCTNTC; đồng thời, thực hiện nghiêm Kế hoạch số 901/KH-UBND ngày 30/01/2024 của UBND tỉnh về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2024.

3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTNTC:

a) Tập trung tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ([1]); chỉ đạo của Tỉnh ủy([2]); chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh ([3]) về công tác PCTNTC.

b) Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về PCTNTC theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn 2022 - 2027” nhằm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, chính sách cũng như thực hiện yêu cầu về phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật; đồng thời, bám sát các nội dung theo Quyết định số 749/QĐ-TTCP ngày 28/12/2023 của Thanh tra Chính phủ về ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024 để chủ động thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTNTC trên địa bàn tỉnh.

[...]