Kế hoạch 167/KH-UBND năm 2020 về phát triển thương mại điện tử tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 167/KH-UBND
Ngày ban hành 02/11/2020
Ngày có hiệu lực 02/11/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Đức Chín
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 167/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 02 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch 180/KH-UBND ngày 22/12/2017 về việc phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Trong giai đoạn 2016-2020, thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước đi vào cuộc sống góp phân tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin nói chung và hạ tầng phục vụ phát triển thương mại điện tử nói riêng đã có những chuyển biến đáng kể, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, các doanh nghiệp đã chủ động đổi mới trong việc tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thương mại điện tử, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giảm chi phí tiếp thị và giao dịch, rút ngắn chu kỳ sản xuất, tạo dựng và củng cố quan hệ với khách hàng, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp. Chỉ số thương mại điện tử tỉnh Kiên Giang được tăng lên hàng năm, từ xếp thứ 39 năm 2015 tăng lên xếp thứ 29 năm 2019 (trong tổng số 54 tỉnh, thành phố xếp hạng).

Tuy nhiên, thương mại điện tử hiện nay còn một số khó khăn, hạn chế như: nhiều doanh nghiệp chưa hiểu hết lợi ích, tầm quan trọng và quan tâm đúng mức đến việc ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hình thức kinh doanh truyền thống còn phổ biến nhất là ở vùng nông thôn, việc ứng dụng giải pháp thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.

Để đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại điện tử trong thời gian tới, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020. UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN TMĐT GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

1. Mục tiêu tổng quát

- Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng.

- Đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến (thanh toán không dùng tiền mặt); từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.

- Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

- Mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh Kiên Giang ra thị trường trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử.

- Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về thương mại điện tử trong công tác kiểm tra, đảm bảo việc kinh doanh trên các trang thương mại điện tử tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu nâng cao chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Kiên Giang nằm trong top 20 của cả nước.

- Tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 55%; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó: thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%.

- 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 50% số xã, phường, thị trấn có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; 60% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến.

- 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.

- 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

- 1.500 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, cán bộ quản lý Nhà nước, sinh viên, thanh niên được tham gia các khóa đào tạo về quản lý và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

II. NỘI DUNG

1. Phát triển hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử

- Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin nhằm cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công.

- Xây dựng và đưa vào hoạt động Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Kiên Giang với mục tiêu tạo môi trường kinh doanh trực tuyến tập trung, quảng bá thương hiệu, thông tin sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

- Xây dựng hệ thống kết nối Sàn thương mại điện tử tỉnh với các dịch vụ chuyển phát, logistics theo hướng sản phẩm từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến tận tay người tiêu dùng.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động thương mại điện tử.

- Mua sắm, sửa chữa trang thiết bị phục vụ công tác quản lý Nhà nước về TMĐT trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch hàng năm được duyệt.

- Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, công nghệ cho các lực lượng thực thi pháp luật về thương mại điện tử.

[...]