Kế hoạch 16/KH-UBATGTQG về năm an toàn giao thông 2018 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ban hành

Số hiệu 16/KH-UBATGTQG
Ngày ban hành 09/01/2018
Ngày có hiệu lực 09/01/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia
Người ký Trương Hòa Bình
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN AN TOÀN
GIAO THÔNG QUỐC GIA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/KH-UBATGTQG

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

NĂM AN TOÀN GIAO THÔNG 2018

Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT, hưởng ứng Chương trình "Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020" và Nghị quyết số A/70/RES/260 ngày 15 tháng 4 năm 2016 của Liên hợp quốc về Cải thiện An toàn giao thông đường bộ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng Kế hoạch Năm an toàn giao thông 2018 với chủ đề "An toàn giao thông cho trẻ em", cụ thể như sau;

I. MỤC ĐÍCH

1. Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.

2. Tiếp tục giảm tai nạn giao thông (TNGT) từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương; giảm tỷ lệ thương, vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017.

3. Tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

II. YÊU CẦU

1. Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên toàn quốc, từ cấp Trung ương đến tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2018.

2. Các Bộ, ngành, đoàn thể có Lãnh đạo là thành viên Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch hoạt động và bố trí ngân sách phù hợp chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương, đảm bảo tiết kiệm, tránh hình thức.

3. Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.

4. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải; điều khiển giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Để thực hiện được mục tiêu trên, các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung thực hiện tốt 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Hoàn thiện thể chế về an toàn giao thông

Tổng kết và xây dựng dự án Luật giao thông đường bộ sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật thống kê, Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới; xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật hiện hành liên quan bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng, phương tiện, kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm của người tham gia giao thông và hệ thống chế tài xử lý vi phạm TTATGT; chú trọng sửa đổi các quy định nhằm nâng cao khả năng tạo lập môi trường giao thông an toàn cho trẻ em.

2. Tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội trọng tâm là bảo vệ an toàn giao thông cho trẻ em và người lớn nêu gương về văn hóa giao thông

Đổi mới phương thức tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với chủ đề năm ATGT; xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại gắn với phát huy các bộ môn văn hóa, nghệ thuật dân tộc; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và những môi trường thông tin phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của các nhóm dân cư, đặc biệt là thanh, thiếu nhi; phát huy vai trò các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp.

3. Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông và các lực lượng cùng tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT; tăng cường tuần lưu, giảm lập chốt cố định trong tuần tra của lực lượng CSGT; phát huy hiệu quả mô hình tuần tra phối hợp giữa CSGT với các lực lượng cảnh sát kết hợp giữa xử lý vi phạm về TTATGT và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

4. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và chất lượng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông

Lồng ghép việc thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm với hoàn thiện quy hoạch không gian và sử dụng đất nhằm nâng cao năng lực kết nối, tạo sức hấp dẫn đầu tư, gia tăng cơ hội việc làm tại các đô thị trung bình nhằm làm giảm mức độ di dân cơ học về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kéo giảm áp lực về giao thông. Hoàn thiện quy định pháp luật, quy trình quản lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng bảo trì và hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hiện hữu; chú trọng tổ chức giao thông và bảo đảm điều kiện tham gia giao thông an toàn cho trẻ em, đặc biệt là giao thông kết nối đến trường học và trung tâm vui chơi của trẻ em.

5. Tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong đó chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành vận tải hành khách bằng đường hàng không; nâng cao năng lực và chất lượng đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt; xây dựng cơ chế thuận lợi để phát huy thế mạnh về vận tải thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, vận tải ven biển, tăng cường phát triển dịch vụ logistics và kết nối đa phương thức, giảm mức độ phụ thuộc vào vận tải đường bộ.

6. Phát triển hệ thống vận tải công cộng, khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh kết nối thuận tiện và gắn với tiến độ đầu tư phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại và dân cư lớn; kết nối liên thông giữa vận tải đô thị với vận tải công cộng đường dài (hàng không, đường sắt, xe khách liên tỉnh); nâng cao, chất lượng xe buýt, xe khách liên tỉnh, xe đưa đón học sinh để thu hút hành khách, đặc biệt là trẻ em đi lại bằng dịch vụ công cộng; kiểm soát và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân gắn với lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông, bảo đảm điều kiện đi bộ và sang đường an toàn cho trẻ em.

7. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT

Đầu tư xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh và các thiết bị ngoại vi để giám sát, điều hành trực tuyến hoạt động giao thông, điều khiển hệ thống tín hiệu, hỗ trợ xử lý vi phạm, trước hết tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sau đó là mở rộng áp dụng cho các đô thị khác; cung cấp ứng dụng công nghệ hướng dẫn người dân, đặc biệt là học sinh, đi lại thuận tiện; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa trung tâm điều hành giao thông đô thị với các trung tâm điều hành đường cao tốc; kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa quản lý giao thông vận tải với lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT.

[...]