Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 1596/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến 2030” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Số hiệu 1596/KH-UBND
Ngày ban hành 20/04/2018
Ngày có hiệu lực 20/04/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Hà Kế San
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1596/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 20 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2017-2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến 2030” trên địa bàn tỉnh gồm những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc cụ thể hóa Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Phát huy tiềm năng nội lực, lợi thế của tỉnh, tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng, xã hội để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, góp phần nâng cao khả năng tự đảm bảo an sinh, nâng cao tinh thần, vật chất cho người dân, đảm bảo công bằng, ổn định xã hội và phát triển bền vững.

2. Yêu cầu

- Triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phù hợp với định hướng, quy hoạch, chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từng giai đoạn cụ thể; Trợ giúp xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và từng bước tiếp cận mức sống tối thiểu của từng thời kỳ; ưu tiên người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

- Trợ giúp xã hội phải đa dạng về mô hình, toàn diện cả vật chất và tinh thần phù hợp với vòng đời con người, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân; đảm bảo người dân gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, các tổ chức và cộng đồng.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020

a) 100% số đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội.

b) 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó có tối thiểu 10% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.

2. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025

a) 100% số đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; điều chỉnh nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng kịp thời; tổ chức triển khai áp dụng các chính sách trợ giúp đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số theo quy định của cấp có thẩm quyền; tiếp tục áp dụng mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp xã hội.

b) 70% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 30% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.

3. Tầm nhìn đến năm 2030

a) 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; áp dụng mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hiểm xã hội của Nhà nước, trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số theo quy định của cấp có thẩm quyền được hưởng trợ cấp xã hội; mức trợ cấp xã hội được điều chỉnh phù hợp với khả năng của ngân sách và xu hướng quốc tế.

b) 90% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 50% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH:

1. Đối tượng: Kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030", được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân, cán bộ công chức, viên chức và các đối tượng được trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật.

2. Phạm vi: Kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030", được triển khai thực hiện trên toàn tỉnh; Ưu tiên các thôn, khu đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách trợ giúp xã hội. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp trong chỉ đạo, huy động nguồn lực và thực hiện trợ giúp xã hội.

2. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức:

- Tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về trợ giúp xã hội, vận động xã hội nhằm thay đổi cách thức trợ giúp xã hội theo hướng tiên tiến, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội; tuyên truyền, phổ biến về các giải pháp, mô hình trợ giúp xã hội hiệu quả, gương điển hình vượt khó và nhân rộng trong cộng đồng.

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ có trách nhiệm truyền thông về trợ giúp xã hội. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng thông tin, truyền thông về trợ giúp xã hội.

[...]