Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 162/KH-UBND năm 2018 thực hiện “Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2018-2020”

Số hiệu 162/KH-UBND
Ngày ban hành 15/08/2018
Ngày có hiệu lực 15/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Phan Đình Phùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/KH-UBND

Phú Yên, ngày 15 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRỢ GIÚP XÃ HỘI TỈNH PHÚ YÊN, GIAI ĐOẠN 2018-2020”

Thực hiện Quyết định số 565/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện “Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2018-2020”, với những nội dung chủ yếu như sau:

Phần I

THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRỢ GIÚP XÃ HỘI CỦA TỈNH PHÚ YÊN

I. Thực trạng tình hình đối tượng bảo trợ xã hội, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh

Phú Yên là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, diện tích tự nhiên trên 5.000km2, với dân số hơn 899.000 người, trong đó có trên 231.000 trẻ em (chiếm trên 20% dân số), trên 96.800 người cao tuổi (chiếm trên 10,7% dân số), trên 20.100 người khuyết tật (chiếm gần 2,24% dân số).

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên toàn tỉnh có hơn 39.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, 20.258 hộ nghèo, 23.479 hộ cận nghèo và hơn 20.000 đối tượng có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn (trong đó: 6.820 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 2.931 người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, 5.214 người khuyết tật thuộc dạng thần kinh, trí tuệ và 5.373 người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo).

Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện sinh sống đều khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo, vùng khó khăn thường xảy ra thiên tai lũ lụt cao hơn so với các xã ở vùng đồng bằng và thành thị.

II. Kết quả trợ giúp xã hội năm 2017

Mặc dù, điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nổ lực phấn đấu của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương cơ sở, nên các chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chính sách bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới, ma túy, mại dâm, ... đã được triển khai kịp thời, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội,... phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng, ổn định đời sống.

Kết quả thực hiện cụ thể như sau:

- Vận động từ nhiều nguồn khác nhau đã hỗ trợ xây dựng 544 nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách với tổng kinh phí hơn 21.700 triệu đồng. Cấp thẻ BHYT cho 206.354 người thuộc hộ nghèo, người dân đang sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Hỗ trợ miễn giảm học phí năm 2017 cho 26.466 lượt học sinh, hỗ trợ chi phí học tập 22.095 lượt học sinh, với số tiền 20.738 triệu đồng. Hỗ trợ tiền điện 22.609 hộ, với tổng kinh phí 12.000 triệu đồng; Hỗ trợ vốn tín dụng cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất 15.010 lượt hộ nghèo và cận nghèo, doanh số cho vay 463.950 triệu đồng; Cho HSSV khó khăn vay 12.138 lượt hộ, doanh số cho vay 78.900 triệu đồng;

- Giải quyết trợ cấp xã hội từ nguồn ngân sách cho 41.622 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng/năm. Giải quyết cứu đói cho hơn 24.823 lượt hộ, 57.006 lượt người với 1.000 tấn gạo, đồng thời nhân các dịp lễ, Tết nhất là Tết Nguyên đán, các tổ chức, cá nhân có tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp đã trao tặng cho hơn 33.878 xuất quà cho người nghèo với tổng kinh phí hơn 9.938 triệu đồng. Hỗ trợ phẫu thuật thành công cho 28 em bị bệnh tim bẩm sinh, 09 em bị khuyết tật vận động, 15 em bị hở khe vòm họng, 20 em bị khuyết tật về mắt, hỗ trợ thiết bị kỹ thuật cho 125 em bị khiếm thính; vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh 3.100 triệu đồng. Số xã, phường phù hợp trẻ em: 105 xã; năm 2017 toàn tỉnh có 104/112 xã, phường đạt chuẩn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm đạt 100% kế hoạch đề ra.

- Đã nâng cấp Trung tâm công tác xã hội trẻ em thành Trung tâm công tác xã hội, nâng tổng số Trung tâm trợ giúp xã hội trên toàn tỉnh là 05 Trung tâm (Trong đó: 03 Trung tâm công lập và 02 Trung tâm ngoài công lập); số lượng nhân viên CTXH tăng từ 623 người năm 2010 lên 796 người năm 2017, đến nay toàn tỉnh đã có 112/112 xã phường thị trấn có cộng tác viên công tác xã hội (tăng 76 cộng tác viên công tác xã hội so với năm 2010).

- Tổ chức tuyên truyền chuyên sâu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiềm kỳ 2016-2021. Kết quả nữ đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội chiếm tỷ lệ 16,6%, đại biểu HĐND cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 28%, cấp huyện chiếm tỷ lệ 20,3%, cấp xã chiếm tỷ lệ 25%.

III. Đánh giá chung

Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận và đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và sự hỗ trợ thường xuyên của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Hầu hết các hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ... đã được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như: vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, nhà ở, đào tạo nghề, trợ cấp xã hội thường xuyên, trợ cấp đột xuất,… Các chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chính sách bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới đã được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức triển khai tốt, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống đối tượng yếu thế xã hội, giúp phát triển kinh tế, sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định đời sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế:

- Ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, sự phân hoá giàu nghèo, tình trạng thất nghiệp, trình độ dân trí còn thấp dẫn đến việc bảo vệ, chăm sóc các đối tượng yếu thế, các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn hạn chế; các giá trị đạo đức, lối sống thay đổi cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa.

- Hiện nay toàn tỉnh có 5.214 người khuyết tật thuộc dạng thần kinh, trí tuệ, tuy nhiên chưa có trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người tâm thần.

- Các hình thức chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng chưa phát triển mạnh. Số trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật được chăm sóc thay thế tại gia đình, cộng đồng còn ít. Mức trợ cấp, trợ giúp còn thấp, trong khi đó giá cả thị trường biến động tăng liên tục cho nên đời sống của các đối tượng gặp nhiều khó khăn.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về chính sách an sinh xã hội, trẻ em, bình đẳng giới, ma túy, mại dâm, công tác giảm nghèo ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thường xuyên.

Phần II

MỤC TIÊU, NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP CỦA DỰ ÁN

I. DỰ ÁN 1: PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG YẾU THẾ

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

[...]