Kế hoạch 368/KH-UBND năm 2022 về phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 368/KH-UBND
Ngày ban hành 15/03/2022
Ngày có hiệu lực 15/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 368/KH-UBND

Qung Bình, ngày 15 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1368/QĐ-BNN-CN ngày 01/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; căn cứ Quyết định số 3852/QĐ-UBND ngày 26/11/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022 - 2025 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2025, góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đạt mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp; áp dụng các quy trình công nghệ hiện đại, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đối xử nhân đạo với vật nuôi; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi; đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; phấn đấu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi tỉnh ta thuộc nhóm các tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2025 tăng bình quân 4 - 5%/năm;

- Tỷ trọng chăn nuôi đạt ≥ 54% trong giá trị sản xuất nông nghiệp;

- Tổng đàn gia súc, gia cầm:

+ Đàn trâu: 33.000 con;

+ Đàn bò 120.000 con, trong đó bò lai chiếm 65% tổng đàn;

+ Đàn ln: 330.000 con;

+ Đàn gia cầm: 5,2 triệu con.

- Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 83.300 tấn (trong đó, thịt trâu hơi: 1.500 tấn, thịt bò hơi: 10.000 tấn, thịt lợn hơi 46.500 tấn, thịt gia cầm hơi 23.500 tấn, thịt các vật nuôi khác xuất chuồng: 1.800 tấn).

- Xây mới 08 cơ sở giết mổ tập trung; xây dựng được ít nhất 05 cơ sở cấp xã và 70 trang trại chăn nuôi đạt cơ sở an toàn dịch bệnh.

(Cụ thể có phụ lục kèm theo).

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi

- Phát triển giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng; đồng thời phát triển các giống vật nuôi bản địa có chất lượng cao, sức chống chịu tốt của địa phương. Tiếp thu và ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học trong nước và thế giới; chú trọng việc bảo tồn, khai thác đặc điểm sinh học quý của các nguồn gen, giống bản địa nhằm tạo ra các sản phẩm giống mang thương hiệu địa phương.

- Đẩy mạnh phát triển đàn bò về số lượng, chất lượng theo hướng Zebu hóa và bò lai hướng thịt chất lượng cao; phát triển chăn nuôi bò thịt thâm canh ở những vùng, địa phương có lợi thế. Tiếp tục thực hiện cải tiến nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng Zebu hóa trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới thụ tinh nhân tạo và sử dụng bò đực giống tốt đã qua chọn lọc cho nhân giống ở những nơi chưa có điều kiện triển khai biện pháp thụ tinh nhân tạo. Chọn lọc bò cái đủ tiêu chuẩn, nhập tinh các giống bò thịt cao sản có khả năng thích nghi với điều kiện của tỉnh để tạo đàn bò thịt chất lượng cao, cung cấp bê đực cho nuôi vỗ béo bò thịt. Đào tạo mới, đào tạo nâng cao tay nghề cho các dẫn tinh viên đáp ứng nhu cầu phát triển đàn bò của tỉnh. Chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vùng gò đồi sang trồng cỏ, ngô sinh khối; kết hợp sử dụng thức ăn tinh và các loại phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi bò.

- Nâng cao chất lượng đàn trâu, đàn dê trong sản xuất, tạo đàn cái nền và đực giống tốt cung cấp cho nhu cầu cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống, thực hiện tốt giải pháp đảo đực giống giữa các vùng nhằm tránh tình trạng cận huyết và phát huy ưu thế lai.

- Sử dụng các giống lợn ngoại có năng suất, chất lượng cao của thế giới ở những cơ sở, vùng có điều kiện; khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống lợn bản địa, lợn lai giữa giống lợn ngoại với giống bản địa phù hợp với điều kiện của địa phương. Xây dựng và sử dụng các công thức lai giống phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiêu chuẩn hóa các cơ sở, chất lượng lợn đực giống; kiểm tra năng suất trước khi khai thác tinh thương phẩm đối với đàn lợn đực giống sử dụng trong các cơ sở sản xuất tinh nhân tạo. Hằng năm, tổ chức đánh giá, bình tuyển chất lượng đối với đàn lợn đực giống phối giống trực tiếp trên địa bàn nhằm loại thải những đực giống kém chất lượng, không có lý lịch, nguồn gốc rõ ràng.

- Sử dụng các giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chuyển đổi mạnh cơ cấu giống gà theo hướng giảm giống gà công nghiệp, tăng các giống gà địa phương chất lượng cao, dễ tiêu thụ. Xây dựng các cơ sở sản xuất giống gia cầm để chủ động nguồn giống.

- Phát triển các giống vật nuôi có lợi thế, duy trì và phát triển các đối tượng nuôi đặc sản, có giá trị cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như: ong, chim yến, lợn rừng, hươu lấy nhung, nhím, dê, thỏ...

2. Đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi đồng thời nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi

- Chủ động nguồn thức ăn tinh, thức ăn thô xanh đáp ứng nhu cầu chăn nuôi; nhất là chủ động nguồn thức ăn thô, xanh cho trâu bò trong mùa khan hiếm thức ăn (nắng hạn, rét đậm, rét hại...). Chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp để trồng cỏ thâm canh và các cây thức ăn có năng suất cao, giàu đạm; tăng năng suất các loại cây trồng (ngô, khoai, sắn,...), tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi.

- Khuyến khích nghiên cứu nâng cao giá trị dinh dưỡng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; phát triển các mô hình chế biến các loại thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và động cơ phù hợp với loại hình chăn nuôi trang trại, hợp tác xã để phục vụ phát triển chăn nuôi hữu cơ; mô hình thâm canh trồng cỏ, ngô, lúa chín sáp... kết hợp công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp (TMR) để chăn nuôi và vỗ béo các loại gia súc ăn cỏ; đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để chế biến, dự trữ thức ăn chăn nuôi.

[...]