Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 156/KH-UBND về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 156/KH-UBND
Ngày ban hành 20/07/2023
Ngày có hiệu lực 20/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 20 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT TRỒNG LÚA NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 470/QĐ-BNN-TT ngày 07 tháng 02 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn quốc năm 2023, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC CHUYỂN ĐỔI

1. Mục tiêu chung

a) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả tại địa phương vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

b) Xây dựng vùng sản xuất chất lượng an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, phát triển dịch vụ nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, phát triển toàn diện theo hướng bền vững và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; đáp ứng tốt nhu cầu về tiêu dùng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Chuyển 1.672 ha diện tích sản xuất lúa ở vùng kém hiệu quả sang diện tích gieo trồng rau, màu và có 1.361 ha chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.

b) Triển khai việc ứng dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm giảm chi phí giá thành sản xuất.

c) Tập huấn quy trình sản xuất rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày triển khai các mô hình sản xuất rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng an toàn và áp dụng các mô hình theo hướng hữu cơ.

d) Tập huấn quy trình sản xuất trên cây ăn quả, triển khai các mô hình sản xuất xây ăn quả theo hướng an toàn và áp dụng các mô hình theo hướng hữu cơ.

đ) Liên kết doanh nghiệp cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm.

3. Nguyên tắc chuyển đổi

a) Phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Chuyển đổi nhưng không được làm mất các yếu tố phù hợp để trồng lúa, khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa mà không phải đầu tư lớn;

c) Cây trồng chuyển đổi phải có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa;

d) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải phù hợp với hiện trạng giao thông, thủy lợi nội đồng của địa phương, hạn chế đầu tư lớn và gắn với xây dựng nông thôn mới.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH

Diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng rau màu và cây ăn trái theo kế hoạch đăng ký chuyển đổi trong năm 2023 là 3.033 ha, cụ thể như sau:

1. Cây rau màu: Duy trì diện tích sản xuất chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng rau màu là 1.672 ha/năm tập trung tại 07 quận, huyện.

2. Cây ăn trái: Hiện nay, diện tích cây ăn trái năm 2022 là 24.589 ha. Dự kiến năm 2023 diện tích đất trồng cây ăn trái sẽ tăng thêm 829 ha, từ đó: diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái là 1.361 ha, tập trung tại 04 huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ và Phong Điền,

(Đính kèm phụ lục).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thành phố , Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm 2023 trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo đúng quy định.

b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện cuộc tập huấn và xây dựng mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật theo hướng hiện đại giúp nông dân thấy được hiệu quả của việc cơ giới hóa trong giảm chi phí lao động, giá thành và tăng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ công tác tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn tại các địa phương. Hỗ trợ và giới thiệu tổ (nhóm) kỹ thuật để nông dân trong vùng biết.

c) Hàng năm, căn cứ kế hoạch được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, xây dựng dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện.

[...]