Kế hoạch 1550/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 1550/KH-UBND
Ngày ban hành 17/03/2022
Ngày có hiệu lực 17/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Quyền dân sự,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1550/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 17 tháng 03 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Thực hiện Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Công văn số 129/LĐTBXH-BĐG ngày 17/01/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới; tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện bình đẳng giới; tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hàng năm, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới hoặc có liên quan đến nội dung bình đẳng giới ít nhất 02 cuộc.

- Đến năm 2030, 100% Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hàng năm.

- Phấn đấu đạt 70% dân số được tiếp cận các kiến thức cơ bản về bình đẳng giới vào năm 2025. Đến năm 2030, nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10 - 15% so với năm 2025.

- Phấn đấu đến năm 2025 đạt ít nhất 70% cơ quan truyền thông triển khai áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 100% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông.

- Đến năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.

II. NỘI DUNG, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Nội dung truyền thông về bình đẳng giới

a) Các công ước, quy định của pháp luật Quốc tế liên quan đến bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ: Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (Công ước CEDAW năm 1979); Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1993; Cương lĩnh hành động Bắc kinh được thông qua tại Hội nghị thế giới về phụ nữ tổ chức tại Bắc kinh năm 1995; Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ trong khu vực ASEAN phê chuẩn năm 2004; Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2016-2025 thông qua năm 2015...

b) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, các quy định về bình đẳng giới trong Bộ Luật lao động, Luật Trẻ em, Luật phòng, chống mua bán người, Bộ luật hình sự (2017); Bộ luật Tố tụng hình sự (2019); Luật xử lý vi phạm hành chính (2012); Luật trợ giúp pháp lý (2017), Luật Bảo hiểm xã hội (2014), Luật Đất đai (2013), Luật Hôn nhân và Gia đình (2014), Luật Dân sự (2015), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (2015), Luật Ngân sách nhà nước (2015), Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (2017); Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04/6/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới; Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ Quy định các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới...

c) Các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2021-2030: Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Thông báo kết luận của Ban Bí thư về Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về việc Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên hợp quốc; Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”; Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; Quyết định số 1989/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2020 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 2232/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Quyết định số 64/QĐ-UBDT ngày 28/01/2022 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt Kế hoạch “Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” giai đoạn 2022-2030...

d) Các văn bản của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2021-2030: Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 16/12/2014 Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến 2025; Kết luận số 56- KL/TU ngày 06/12/2016 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 26/6/2007 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 11- NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Thông tri số 13-TT/TU ngày 09/4/2018 của Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 26/11/2019 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 10/02/2022 của Tỉnh uỷ về việc xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến 2030; Quyết định số 2265/QĐ-UBND ngày 27/7/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Kế hoạch số 6830/KH-UBND ngày 01/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 7041/KH-UBND ngày 06/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025; Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ hàng năm...

đ) Các mô hình, các địa chỉ, dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ, trẻ em: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh...; các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong thực hiện bình đẳng giới ở các lĩnh vực; chính sách cho lao động nữ, các chính sách an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái; chính sách trong tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm đối với cán bộ nữ; Mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, nữ chủ doanh nghiệp tiêu biểu; mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; gương phụ nữ vượt khó trong phát triển kinh tế…; tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng, dịch vụ trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại trẻ em.

e) Tuyên truyền về vai trò, vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; các mục tiêu, giải pháp về tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách; sự đóng góp tích cực của phụ nữ trong công tác quản lý và hoạch định chính sách; gương phụ nữ tiêu biểu của quốc tế, Việt Nam và của địa phương trong lĩnh vực chính trị; tuyên truyền các quy định của Nhà nước về bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực: kinh tế, lao động việc làm, giáo dục đào tạo, y tế, gia đình, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

f) Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cần thực hiện với các hình thức đổi mới, phong phú, đa dạng, hướng đến nhóm đối tượng cụ thể và phù hợp với từng đơn vị, địa phương, văn hoá vùng miền, thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong thực hiện bình đẳng giới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền nhằm lan tỏa thông tin nhanh, hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền cần đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

2. Tiến độ thực hiện

a) Giai đoạn 1 (từ năm 2022 đến 2025): Đổi mới về nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng công tác truyền thông. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở; ứng dụng, khai thác những lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông trên nền tảng số. Nội dung truyền thông, giáo dục chú trọng về pháp luật, chính sách bình đẳng giới nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, nêu cao vai trò của cả hai giới trong gia đình và xã hội; tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ trợ giúp xã hội có nhạy cảm giới. Tổ chức sơ kết, đánh giá việc triển khai Chương trình vào năm 2025.

b) Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến 2030): Trên cơ sở kết quả sơ kết việc triển khai Chương trình giai đoạn 2022-2025, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh bổ sung Kế hoạch (nếu cần thiết). Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông bình đẳng giới và đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở; tập trung khai thác, phát triển những lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông hiện đại. Tăng cường truyền thông, giáo dục và tư vấn nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành bình đẳng giới cho các nhóm đối tượng. Triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động truyền thông tại các cấp. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể liên quan, huy động các tổ chức, cá nhân tích cực ủng hộ và tham gia các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng theo định kỳ và vào các đợt cao điểm hằng năm.

a) Phương thức thực hiện

Tăng cường tham mưu, thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin chuyên đề về bình đẳng giới cho lãnh đạo các cấp. Nghiên cứu, xây dựng, sản xuất các tài liệu, báo cáo, kết quả nghiên cứu, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới để chia sẻ, cung cấp, cập nhật cho cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức để triển khai công tác truyền thông, giáo dục về bình đẳng giới trong tình hình mới.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ