Kế hoạch 115/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình truyền thông về bình đẳng giới giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Số hiệu 115/KH-UBND
Ngày ban hành 29/07/2022
Ngày có hiệu lực 29/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Lê Quang Tiến
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 115/KH-UBND

Thái Nguyên, ngày 29 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI GIAI ĐOẠN 2022-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Công văn số 129/LĐTBXH-BĐG ngày 17/01/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030;

Thực hiện Quyết định số 2591/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030; Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 20/6/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; xét đề nghị của Giám đốc Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 323/TTr-SLĐTBXH ngày 23/5/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình truyền thông về bình đẳng giới giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở; ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả các loại hình truyền thông trên nền tảng số nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, nêu cao vai trò của cả phụ nữ, nam giới trong gia đình và xã hội.

2. Tăng cường nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác bình đẳng giới và thi hành Luật Bình đẳng giới. Cụ thể hóa nội dung và triển khai đồng bộ, thống nhất các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 của Chính phủ.

3. Xác định rõ nhiệm vụ và đẩy mạnh công tác phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục và phổ biến pháp luật về bình đẳng giới; huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, mô hình về bình đẳng giới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đổi mới về nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng công tác truyền thông. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở; ứng dụng, khai thác những lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông trên nền tảng số.

- Nội dung truyền thông, giáo dục chú trọng về pháp luật, chính sách bình đẳng giới nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, nêu cao vai trò của cả hai giới trong gia đình và xã hội; tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ trợ giúp xã hội có nhạy cảm giới.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hằng năm, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới ít nhất 02 cuộc.

- Hằng năm, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12).

- Duy trì 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới.

- Phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 01 mô hình truyền thông về bình đẳng giới; 60% dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới.

- Duy trì tin, bài, chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên và hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện. Đến năm 2025, 70% cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh áp dụng thí điểm Bộ chỉ số về giới trong truyền thông.

- Đến năm 2025, 100% xã/phường/thị trấn mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở; 95% hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng theo định kỳ và vào các đợt cao điểm hằng năm.

1.1. Phương thức thực hiện: Tăng cường công tác tham mưu, thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin chuyên đề về bình đẳng giới cho lãnh đạo các cấp. Nhân bản, chia sẻ các tài liệu, kết quả nghiên cứu, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới đến cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức để triển khai công tác truyền thông, giáo dục về bình đẳng giới trong tình hình mới.

1.2. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

- Cấp ủy Đảng, chính quyền cần nghiên cứu, đưa nội dung thực hiện các chỉ tiêu Chiến lược truyền thông vào tiêu chí đánh giá trách nhiệm, kết quả thực hiện công tác của cán bộ, đảng viên được giao phụ trách, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Xây dựng Kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ 15/11 đến 15/12 hằng năm.

- Cung cấp các bản tin, tờ rơi, báo cáo, tài liệu (khuyến khích sử dụng bản điện tử)...về bình đẳng giới cho lãnh đạo các cấp.

- Xây dựng và triển khai các mô hình, hình thức truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng trong từng lĩnh vực và các nhóm đặc thù tại địa phương như: Người di cư, người khuyết tật, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, người cư trú ở vùng khó khăn...

2. Đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới.

[...]