Kế hoạch 155/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU về chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 155/KH-UBND
Ngày ban hành 21/07/2022
Ngày có hiệu lực 21/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 155/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 21 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11-NQ/TU NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2021 CỦA THÀNH ỦY VỀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNG TỪ NÔNG NGHIỆP SANG PHI NÔNG NGHIỆP

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thành ủy Cần Thơ về việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (viết tắt là Nghị quyết số 11-NQ/TU), Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, các địa phương và tầng lớp Nhân dân về chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

2. Yêu cầu

a) Thực hiện quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

b) Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng về chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng dần tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết lao động dư thừa, giảm dần người sống phụ thuộc vào nông nghiệp tại nông thôn; hình thành cơ cấu lao động hợp lý, phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp của thành phố; thu hút, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị của các ngành kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

2. Mc tiêu cthể

a) Giai đoạn 2021 - 2025

Chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp từ bình quân 1,5%/năm; đến cuối năm 2025, tỷ lệ lao động nông nghiệp của thành phố chiếm 19,39% trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế của thành phố.

b) Giai đoạn 2026 - 2030

Chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp từ 1,5 - 2%/năm; đến cuối năm 2030, tỷ lệ lao động nông nghiệp của thành phố chiếm 10% trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế của thành phố.

c) Giai đoạn sau năm 2030

Dự kiến tỷ lệ lao động nông nghiệp dưới 10% trong tổng số lao động đang làm việc của thành phố gắn với phương thức lao động sản xuất nông nghiệp chuyển đi sang ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp

a) Tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo, đào tạo lại, học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Thường xuyên cập nhật thông tin đã được phân tích, được dự báo, công bố của Trung ương và thành phố về nhu cầu sử dụng lao động phi nông nghiệp.

b) Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên đầu tư phát triển các ngành nghề đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động có trình độ chuyên môn cao.

c) Thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề phi nông nghiệp thông qua các đề án của Chính phủ.

d) Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở vào học nghề, phát triển nguồn lao động trẻ, đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp và địa phương.

đ) Gắn kết và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào quá trình dạy nghề phi nông nghiệp, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và tuyển dụng lao động sau học nghề vào làm việc tại doanh nghiệp.

e) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại vùng nông thôn, ưu tiên đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn.

g) Mở rộng, liên kết, hợp tác với các địa phương trong nước và nước ngoài về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho nguồn lao động.

[...]