Kế hoạch 84/KH-UBND năm 2020 về Hành động giai đoạn 2020-2025 tỉnh Thái Bình thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030

Số hiệu 84/KH-UBND
Ngày ban hành 31/07/2020
Ngày có hiệu lực 31/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Nguyễn Thị Lĩnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/KH-UBND

Thái Bình, ngày 31 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 TỈNH THÁI BÌNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Hành động giai đoạn 2020-2025 tỉnh Thái Bình thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với những nội dung sau:

Phần thứ nhất:

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Quy mô dân số

Theo số liệu tổng điều tra dân số đến ngày 01/4/2019, quy mô dân số tỉnh Thái Bình là 1.860.447 người, trong đó nam 905.408 người chiếm 48,67%; nữ 955.039 người chiếm 51,33%, mật độ dân là 1.173 ng/km2.1

2. Cơ cấu dân số

Tỉnh Thái Bình có số người từ 0-14 tuổi là 415.991 người, chiếm 22,4% tổng dân số; số người trong độ tuổi lao động (15-60 tuổi) 1.122.829 người chiếm 60,3% tổng dân số, trong khi đó tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm 1.107.671 người chiếm 98,65 %, số người trên 60 tuổi trở lên 321,707 người chiếm 17,3% tổng dân số; số người trên 65+ tuổi là 235.832 người chiếm 12,68% dân số2.

3. Phân bố dân số

Theo kết quả điều tra dân số 01/4/2019 dân số toàn tỉnh là 1.860.447 người, có 196.453 người sống ở khu vực thành thị (chiếm 10,56%); 1.663.994 người ở khu vực nông thôn (chiếm 89,44%). Khu vực thành thị của Thái Bình có tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm là 1,17%, tốc độ tăng khu vực nông thôn là 0,35%.

4. Chất lượng dân số

Chỉ số phát triển con người (HDI) tỉnh Thái Bình là một trong 14 tỉnh đứng đầu toàn quốc, thu nhập bình quân đầu người 4,512 triệu/người/tháng, Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi là 3,1‰; Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 05 tuổi là 4,6‰ (năm 2019); Tỷ lệ suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) trẻ dưới 05 tuổi là 10,1% (năm 2019); Tỷ suất tử vong mẹ/100.000 ca đẻ sống năm 2019 là 8,33‰; Tỷ lệ bà mẹ được sàng lọc, chẩn đoán trước sinh trên 90%; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán sơ sinh là 20,5%; Tuổi thọ bình quân đạt 75,4 tuổi (cả nước 73 tuổi) tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 01 lần/năm đạt trên 90%.

5. Công tác tuyên truyền, giáo dục về Dân số

Công tác truyền thông về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) được đông đảo các lực lượng xã hội tham gia. Các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội đã đưa nội dung truyền thông về công tác Dân số - KHHGĐ lồng ghép vào các hoạt động của cơ quan, đơn vị dưới nhiều hình thức phù hợp, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán của cộng đồng.

Trên 80% cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, viên chức được phổ biến về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới; 95% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới có hiểu biết cơ bản về lợi ích về sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai; 80% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới được tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; 50% thanh niên trước khi đăng ký kết hôn được tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân, tác hại của nạo phá thai; 70% người chưa thành niên, thanh niên được tuyên truyền về dân số, CSSKSS, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân cho nam, nữ thanh niên; tâm, sinh lý lứa tuổi dậy thì; tình bạn, tình yêu; dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục và sử dụng biện pháp tránh thai cho vị thành niên và thanh niên tại trường Tiểu học, THCS, THPT.

6. Dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

Tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản từ tỉnh đến cơ sở đã từng bước củng cố, phát triển cung cấp đầy đủ, kịp thời, thuận tiện các dịch vụ Dân số - KHHGĐ cho nhân dân. 100% Trạm Y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh; 12 Bệnh viện Đa khoa huyện, thành phố có khoa Sản phụ; 8 khoa Sức khỏe sinh sản của 8 Trung tâm Y tế huyện, thành phố; Bệnh viện Phụ sản tỉnh với quy mô 400 giường bệnh; Bệnh viện Phụ sản tư nhân (Bệnh viện Phụ sản An Đức) với quy mô 99 giường; Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC); Khoa Sản phụ của các Bệnh viện đa khoa công lập và ngoài công lập và hàng chục Phòng khám chuyên khoa Sản phụ trên địa bàn; trên 2.500 cộng tác viên Y tế - Dân số thôn, tổ dân phố.

Đa dạng các biện pháp tránh thai để tăng sự lựa chọn cho người dân thông qua triển khai thực hiện Đề án xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản. cấp các phương tiện tránh thai miễn phí cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách; cung ứng phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản đảm bảo chất lượng qua kênh xã hội hóa và tiếp thị xã hội cho các đối tượng có khả năng chi trả nhằm giảm gánh nặng ngân sách của Nhà nước được nhân dân hưởng ứng ngày càng cao.

7. Công tác tổ chức, quản lý, điều hành

Trong giai đoạn 2011-2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác Dân số - KHHGĐ:

- Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 04/7/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch số 61-KH/TU ngày 11/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới (gọi tắt KH 61-KH/TU);

- Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 12/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phê duyệt chỉ tiêu biên chế sự nghiệp và chỉ tiêu ngoài biên chế được ngân sách hỗ trợ năm 2013, trong đó có 286 chỉ tiêu cho cán bộ chuyên trách dân số cấp xã; Nghị quyết số 11/2017/NQ- HĐND ngày 14/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt việc kiện toàn và cấp kinh phí hỗ trợ cho y tế thôn, tổ dân phố kiêm chức năng nhiệm vụ của cộng tác viên dân số;

- Các Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh: Quyết định số 2701/QĐ-UBND ngày 21/12/2011 phê duyệt chương trình hành động thực hiện Quyết định 2013/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác Dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 về việc phê duyệt Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 về kiện toàn và cấp kinh phí hỗ trợ y tế thôn, tổ dân phố kiêm thêm chức năng, nhiệm vụ của cộng tác viên dân số; Quyết định số 1288/QĐ-UBND ngày 23/5/2017 phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017-2025; Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 07/8/2019 về việc thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP, Kế hoạch số 61-KH/TU của Tỉnh ủy về công tác dân số trong tình hình mới; Quyết định số 3574/QĐ-UBND ngày 31/12/2017 phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017- 2025; Quyết định số 1288/QĐ-UBND ngày 23/5/2017 phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017-2025; Quyết định số 931/QĐ-UBND ngày 13/4/2018 phế duyệt Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số - KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên giai đoạn 2017 - 2020.

II. HẠN CHẾ, BẤT CẬP

1. Quy mô dân số và mức sinh

Quy mô dân số lớn (đứng thứ 11 toàn quốc), mật độ dân số cao, tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ngày một tăng (tỷ lệ con thứ 3 trở lên năm 2019 là 19,96%, theo số liệu của dân số), Mỗi năm có khoảng 23.000 - 26.000 trẻ em được ra đời, dẫn tới tỷ lệ sinh, mật độ dân số ngày càng cao, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

[...]