Kế hoạch 149/KH-UBND năm 2021 về thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Số hiệu 149/KH-UBND
Ngày ban hành 19/01/2021
Ngày có hiệu lực 19/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/KH-UBND

Lai Châu, ngày 19 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về tiếp thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nội dung của Nghị quyết, ban hành kế hoạch cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, qua một năm thực hiện đạt được những kết quả như sau:

Thời gian thành lập mới doanh nghiệp đạt bình quân 1 ngày, giảm 2 ngày so với quy định; 100% hồ sơ được xử lý đúng hạn; các thủ tục hành chính thuế được công khai, minh bạch, 100% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử, thời gian nộp thuế đảm bảo không quá 117 giờ/năm. Thời gian cấp phép xây dựng giảm từ 30 ngày theo quy định xuống còn 12 ngày làm việc; thời gian cấp phép đối với nhà ở riêng lẻ giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày làm việc; thời gian thẩm định thiết kế cơ sở, dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán từ 3 đến 8 ngày. Các thủ tục về tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp được thực hiện đảm bảo theo quy định, thời gian tiếp cận dưới 33 ngày. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng được thực hiện tốt, các thủ tục hành chính được điện tử hóa, thời gian trung bình từ khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai đến khi có quyết định thông quan được rút ngắn còn 3 - 4 giờ.

Việc đăng ký tài sản đảm bảo được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định (trong năm 2020, đã thực hiện tiếp nhận, trả kết quả đối với 3.223 lượt hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân)... Tiếp tục triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích; thực hiện phê duyệt phương án đơn giản hóa của 25 thủ tục hành chính thuộc 10 lĩnh vực; đã thực hiện rà soát được 502 văn bản quy phạm pháp luật;... Tiếp tục thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN của ngành hải quan theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019; giảm thủ tục hành chính từ 36 thủ tục xuống còn 30 thủ tục giải quyết. Tiếp tục triển khai ứng dụng chữ ký số cho tất cả cơ quan, đơn vị và đã cấp 2.402 chữ ký số, trong đó 1.877 chữ ký số cá nhân, 525 chữ ký số của tổ chức; cấp 135 ký số trên thiết bị di động cho cá nhân. Cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử cung cấp 2.061 dịch vụ công trực tuyến, trong đó: mức độ 2 là 1.221, mức độ 3 là 333, mức độ 4 là 507.

Trong năm đã tổ chức đánh giá và phân hạng được 47 sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020, trong đó có 09 sản phẩm đạt 04 sao và 38 sản phẩm đạt 03 sao; hỗ trợ đổi mới công nghệ cho 03 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; duy trì hoạt động thông tin tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ trong hoạt động khoa học và công nghệ. Xây dựng Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2020 và ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Lai Châu năm 2020. Tiếp tục thực hiện thủ tục hành chính chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ban hành tại Quyết định số 1509/QĐ- UBND ngày 13 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh, bao gồm 36 thủ tục thực hiện tại Văn phòng Đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường, thời hạn giải quyết trung bình dưới 11 ngày; đã bố trí kinh phí cho việc hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính có tọa độ theo Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội, đến nay toàn tỉnh đã cấp được 251.853 giấy/638.906,39 ha, đạt 92,49% diện tích cần cấp.

II. MỤC TIÊU

Tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2021 đã đề ra tại Kế hoạch số 304/KH-UBND ngày 11 tháng 3 năm 2019, Kế hoạch số 208/KH- UBND ngày 07 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 và năm 2020 của Chính phủ.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 2021 CỦA CHÍNH PHỦ

Để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

1. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lai Châu theo Kế hoạch số 304/KH-UBND ngày 11 tháng 3 năm 2019 và Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 07 tháng 02 năm 2020 của UBND tỉnh. Trong đó tập trung vào một số nội dung như sau: Đăng ký tài sản; chất lượng quản lý hành chính đất đai; giải quyết tranh chấp hợp đồng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; khởi sự kinh doanh; cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh; cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối cơ chế một cửa quốc gia; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;…

2. Khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị:

- Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức rà soát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp, thời gian hoàn thành trong quý II năm 2021.

- Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức rà soát chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh cho phù hợp, thời gian hoàn thành trong quý III năm 2021.

- Việc thực hiện rà soát phải: Xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì; phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và cơ quan, đơn vị phối hợp; chú trọng giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường.

3. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ

a) Tiếp tục thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (như lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội); đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử:

Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử theo các Kế hoạch số 304/KH-UBND ngày 11 tháng 3 năm 2019 và Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 07 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu.

b) Ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước:

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, đồng thời giám sát chặt chẽ từng khâu, từng bộ phận, từng cá nhân, từng quy trình trong việc giải quyết các công việc với người dân và doanh nghiệp.

- Tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; công khai kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công.

c) Xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hóa giai đoạn 2021-2025:

- Các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

+ Tiếp tục tuyên truyền để 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

+ Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước theo quy định.

+ Phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đưa toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, 4.

[...]