Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 149/KH-UBND năm 2021 về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách khoa học và công nghệ tỉnh Lạng Sơn năm 2022

Số hiệu 149/KH-UBND
Ngày ban hành 01/07/2021
Ngày có hiệu lực 01/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 01 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2022

Thực hiện Công văn số 718/BKHCN-KHTC ngày 31/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch KH&CN và đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách KH&CN năm 2022, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch KH&CN và đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách KH&CN năm 2022 như sau:

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KH&CN NĂM 2020 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

I. Kết quả hoạt động KH&CN

1. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ

1.1. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ

Đã triển khai thực hiện 03 đề tài, dự án KH&CN cấp bộ1. Các đề tài, dự án mới thực hiện nhưng cũng đã mang lại một số kết quả bước đầu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1.2. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh

Trong kỳ đã tổ chức triển khai thực hiện 64 đề tài, dự án KH&CN2, cụ thể:

- Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Trong lĩnh vực KH&CN phục vụ nông nghiệp và nông thôn3 tập trung nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN về giống và quy trình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các cây trồng vật nuôi chủ lực, đặc sản có thế mạnh của địa phương; các giống cây trồng, vật nuôi mới, có lợi thế cạnh tranh; nghiên cứu ứng dụng KH&CN xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả phục vụ sản xuất đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Các nghiên cứu đối với các giống cây trồng mới (cây ăn quả, rau, hoa,...): nghiên cứu trồng thử nghiệm một số dòng, giống Bơ trong nước và nhập nội, xây dựng mô hình trồng mới theo hướng sản xuất hàng hóa tại các huyện Tràng Định, Đình Lập, Bình Gia và thành phố Lạng Sơn; xây dựng mô hình sản xuất Măng tây xanh gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Lộc Bình,...

Các nghiên cứu ứng dụng KH&CN theo chương trình, đề án như: Đề án khung nhiệm vụ KH&CN bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021- 2025 với 08 đề tài bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh đối với các nguồn gen: chanh rừng, mận cơm, cam thổng, đào cảnh, dược liệu, cá mó, vịt cổ xanh, lan một lá; chương trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nâng cao giá trị và phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 đối với một số sản phẩm: Hồng Vành khuyên, Quýt Tràng Định, hạt Dẻ tại thành phố Lạng Sơn, chè dưới tán hồi huyện Bình Gia, khoai lang Lộc Bình, lúa Bao Thai Hồng Tràng Định, gà sáu ngón Mẫu Sơn, gà Vạn Linh.

- Lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn

Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp chỉ đạo, định hướng và quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh như: nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn; nghiên cứu quản lý việc sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn huyện Chi Lăng và Hữu Lũng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh và ảnh hưởng của nó đến phong trào chống thực dân Pháp của Nhân dân ta; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác sáp nhập thôn, xã...

- Lĩnh vực y dược

Các hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN tiếp tục tập trung cho công tác điều trị và phòng chống dịch bệnh, góp phần hạ thấp tỷ lệ tử vong, tiết kiệm chi phí, nâng hiệu quả điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân4.

- Lĩnh vực kỹ thuật công nghệ: nghiên cứu, triển khai, đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị công nghệ và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm5.

2. Công tác quản lý công nghệ

UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển giao công nghệ, thị trường KH&CN; tư vấn hướng dẫn hình thành doanh nghiệp KH&CN, các chính sách mà doanh nghiệp KH&CN được hưởng; hướng dẫn giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thương mại hóa kết quả nghiên cứu trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng và những thành tựu KH&CN tới người dân và doanh nghiệp bằng các hình thức đăng trang thông tin điện tử, website...

Tổ chức thẩm định công nghệ, có ý kiến về công nghệ trong các dự án đầu tư theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ. Trong kỳ báo cáo đã tổ chức thẩm định công nghệ thuộc 56 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thông qua công tác thẩm định công nghệ đã kịp thời ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

3. Công tác ứng dụng và an toàn bức xạ, hạt nhân

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức các hoạt động nhằm quản lý an toàn bức xạ, phóng xạ môi trường, an toàn hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ, an ninh hạt nhân trên địa bàn tỉnh. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ thưc hiện quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân. Trong kỳ đã tiến hành thẩm định cấp 34 giấy phép sử dụng thiết bị x quang chẩn đoán y tế. Tổ chức 02 lớp đào tạo về kiến thức về an toàn bức xạ cho các cán bộ, nhân viên bức xạ trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trên địa bàn tỉnh6; năm 2020, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Kế hoạch tổ chức diễn tập các kịch bản ứng phó sự cố cấp tỉnh; năm 2021 đã nghiên cứu, rà soát cập nhật nội dung Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp tỉnh đảm bảo phù hợp thực tế hiện nay, xây dựng Kế hoạch tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kiến thức tổng quan về đảm bảo an toàn, an ninh nguồn phóng xạ và những kiến thức về ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cho các thành viên Ban Chỉ huy và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thực hiện Quyết định số 1636/QĐ-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020 và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2012, UBND tỉnh đã lập dự án đầu tư, xây dựng Nhà trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường tại Lạng Sơn, hiện nay đã hoàn thiện và có thể đưa vào sử dụng.

4. Công tác sở hữu trí tuệ

Các hoạt động hỗ trợ để tạo lập, phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) trên địa bàn tỉnh đã được triển khai một cách tích cực: tư vấn, hướng dẫn 70 tổ chức, cá nhân xác lập và bảo vệ quyền SHTT (SHTT); tổ chức 11 lớp tập huấn kiến thức về SHTT, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về TSTT; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng; nghiệm thu 08 dự án7.

[...]