Kế hoạch 148/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 148/KH-UBND
Ngày ban hành 05/08/2021
Ngày có hiệu lực 05/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Hồ Thu Ánh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 148/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 05 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU TRẺ EM LAO ĐỘNG TRÁI QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 2178/LĐTBXH-TE ngày 12 tháng 7 năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Tỉnh, cụ thể:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh; trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định pháp luật được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

b) Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em về lao động trẻ em.

2. Yêu cầu

Xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ và việc phối hợp thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong triển khai thực hiện các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nhằm đảm bảo tính liên tục, liên kết các nhiệm vụ, hoạt động của Kế hoạch.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Đối tượng: Trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định pháp luật; cha mẹ trẻ em, người sử dụng lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức.

2. Phạm vi thực hiện: Áp dụng trên phạm vi toàn Tỉnh.

III. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

1. Mục tiêu đến năm 2025:

a) Mục tiêu 1: Phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (sau đây gọi là lao động trẻ em) và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.

- Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%.

- 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi.

- Trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

b) Mục tiêu 2: Truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

- 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

- 70% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

- 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

c) Mục tiêu 3: Đào tạo, tập huấn về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

- 90% công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện và 70% cán bộ, công chức cấp xã ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề lao động trẻ em được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.

- 90% doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, 70% hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.

2. Định hướng đến năm 2030: Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.

[...]