Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 1457/KH-UBND năm 2018 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông (giai đoạn 2018-2022) do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 1457/KH-UBND
Ngày ban hành 07/02/2018
Ngày có hiệu lực 07/02/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Trần Văn Vĩnh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1457/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 07 tháng 02 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 18-CT/TW NGÀY 04/9/2012 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ KHẮC PHỤC ÙN TẮC GIAO THÔNG (GIAI ĐOẠN 2018 - 2022)

Qua năm năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thông tri số 18-TT/TU ngày 15/12/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Tình hình trật tự ATGT có bước chuyển biến nhất định, tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí so với 05 năm trước đó, đã giảm 10,1% số vụ, giảm 15% số người chết và giảm 26,8% số người bị thương (mục tiêu kế hoạch đề ra giảm từ 5% đến 10%).

Tuy nhiên, tình hình trật tự giao thông còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, tai nạn giao thông (TNGT) còn xảy ra nhiều vụ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về con người và tài sản.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 2546-CV/TU ngày 19/12/2016 về việc tổ chức triển khai thực hiện Công văn số 28-CV/TW ngày 02/11/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng Kế hoạch thực hiện trong 05 năm tiếp theo (2018 - 2022), nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân về những nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT.

2. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trước hết về công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách theo Quyết định số 40/2017/QĐ-UBND ngày 16/10/2017 của UBND tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về trật tự an toàn giao thông.

3. Tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin, báo chí, các tổ chức chính trị, xã hội và các tổ chức ATGT từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ và phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng trong công tác bảo đảm ATGT, từng bước xây dựng nếp ứng xử văn hóa giao thông.

4. Phấn đấu hàng năm giảm TNGT từ 5% đến 10% cả 03 tiêu chí, giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT, khắc phục ùn tắc giao thông

a) Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, khắc phục ùn tắc giao thông, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể các cấp.

b) Tập trung triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo, chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

c) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết và các chương trình, kế hoạch tại địa phương, đơn vị cơ sở, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT.

2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông tới mọi thành phần xã hội

a) Nghiên cứu và thực hiện các biện pháp và nội dung tuyên truyền sáng tạo, hấp dẫn, phong phú, thiết thực, dễ tiếp thu, dễ thực hiện, phù hợp đối tượng hoặc nhóm đối tượng tham gia giao thông nhằm giúp người được tuyên truyền hiểu kỹ, nhớ lâu, dễ thực hiện, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân nhận thức rõ hiểm họa tai nạn giao thông, thấy rõ trách nhiệm và tự giác chấp hành pháp luật giao thông, thực hiện văn hóa giao thông.

b) Sử dụng nhiều hình thức, nhiều kênh tuyên truyền với nội dung đa dạng, dễ cảm nhận. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ đề về ATGT, xây dựng văn hóa giao thông; tạo nếp quen của người tham gia giao thông là: Nhường nhịn nhau khi đi đường; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng; mặc áo phao mỗi khi đi phương tiện thủy.

c) Duy trì việc đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; gắn việc xây dựng “Văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Xác định việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể và cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến s; đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.

d) Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy pháp luật giao thông trong trường học. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục, nhắc nhở học sinh, sinh viên tự giác chấp hành các quy định về trật tự ATGT.

3. Phát triển, từng bước kết nối đồng bộ và bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn

a) Xác định giao thông vận tải phải đi trước một bước, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung các nguồn lực để đầu tư thực hiện các chiến lược phát triển giao thông vận tải, giao thông đô thị, nhất là các tuyến giao thông kết nối vào các khu vực đô thị, khu công nghiệp, đường cao tốc, Sân bay Long Thành. Việc xây dựng, mở rộng các tuyến đường bộ phải hướng đến tách làn đường, đặt dải phân cách riêng cho xe hai, ba bánh.

b) Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, có phương án bảo đảm an toàn đối với các công trình vừa thi công vừa khai thác. Sửa chữa kịp thời hư hỏng của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; xử lý ngay “Điểm đen” tai nạn giao thông; khắc phục các điểm thường ngập nước trên đường bộ và các tuyến đường đô thị.

c) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ, đường thủy để hướng dẫn người điều khiển phương tiện lưu thông được trật tự, an toàn.

d) Duy trì tổ chức người cảnh giới tại 11 điểm giao đường dân sinh với đường sắt; hoàn chỉnh lắp đặt hộ lan trên đường gom; tổ chức bảo vệ tại 52 vị trí đường dân sinh đã được rào xóa bỏ và 03 vị trí rào thu hẹp; ngăn chặn việc mở đường ngang trái phép qua đường sắt. Kiến nghị ngành đường sắt bố trí người gác chắn tại vị trí đường ngang hợp pháp thời gian qua xảy ra nhiều TNGT.

đ) Tổ chức điều tiết, phòng ngừa phương tiện thủy đâm va trụ cầu vượt sông, kiến nghị ngành chức năng xây dựng các trụ chống va đập.

4. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành chức năng trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT

a) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự ATGT của UBND từ tỉnh đến cấp xã, của các ngành chức năng; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các giải pháp, nhất là ở cấp cơ sở.

[...]