Kế hoạch 143/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 143/KH-UBND
Ngày ban hành 01/04/2024
Ngày có hiệu lực 01/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Hoàng Hải Minh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 143/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 01 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ 31/CT-TTG NGÀY 21/12/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG CHO LỨA TUỔI HỌC SINH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; nhằm thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

- Thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông cho lứa tuổi học sinh; xây dựng ý thức tự giác trong tham gia giao thông; ứng xử văn minh, chuẩn mực khi tham gia giao thông, từng bước hình thành văn hóa giao thông trong lứa tuổi học sinh.

- Giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT rất nghiêm trọng, không để xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đối với lứa tuổi học sinh.

2. Yêu cầu

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện và bố trí ngân sách phù hợp chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương, đảm bảo tiết kiệm, tránh hình thức; xác định rõ các nội dung, biện pháp và trách nhiệm bảo đảm trật tự, ATGT trong lứa tuổi học sinh phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn trong tình hình mới.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh và các bậc phụ huynh; quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trên địa bàn quản lý trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, ATGT cho học sinh để có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu để tình hình trật tự, ATGT liên quan đến học sinh diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT, trước hết là chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành, giám sát giao thông của các lực lượng chức năng.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Các Sở, ban, ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, ATGT. Người đứng đầu chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự, ATGT nói chung và trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh nói riêng trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, ATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT, kỹ năng tham gia giao thông đối với lứa tuổi học sinh bằng các hình thức, biện pháp phù hợp, theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, lứa tuổi; rà soát các chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về TTATGT cho học sinh trong các cấp học, nhà trường... qua đó, hình thành ý thức, nhận thức tạo thói quen, văn hóa chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT của mọi người dân trên địa bàn ngay từ khi còn trong lứa tuổi học sinh.

3. Rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông tại các tuyến đường có trường học trên địa bàn; bổ sung các thiết bị phụ trợ bảo đảm ATGT, kịp thời giải quyết các bất cập, hạn chế và đề ra thời gian thực hiện, hoàn thành cụ thể. Nghiên cứu, rà soát, tham mưu bổ sung vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật các yêu cầu kỹ thuật trong tổ chức giao thông, hạn chế tốc độ, đấu nối của khu vực trường học trên đường bộ.

4. Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hay trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT tại 100% các trường học trên địa bàn, nhất là mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, “Đội thanh niên tình nguyện”, “Đội cờ đỏ”, “Xếp hàng đón con”... Triển khai thực hiện hiệu quả các quy chế phối hợp giữa các đơn vị, địa phương với ngành giáo dục, các trường học trên địa bàn; triển khai xây dựng các bộ quy tắc, văn hóa giao thông văn minh (văn hóa chấp hành pháp luật về ATGT; văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông; ứng xử khi bị tai nạn, va chạm giao thông, ùn tắc giao thông...); tổ chức ký cam kết, đưa nội dung bảo đảm trật tự, ATGT đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm đối với các trường học, cấp học và các đơn vị có liên quan.

5. Thường xuyên phối hợp với các nhà trường kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh; chủ động làm việc với phụ huynh học sinh để lưu ý, nhắc nhở, yêu cầu tăng cường quản lý, giáo dục không để học sinh vi phạm và tái phạm các hành vi vi phạm về trật tự, ATGT. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, ATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh; đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp.

6. Điều tra, xử lý kịp thời các vụ TNGT liên quan đến học sinh theo quy định của pháp luật; củng cố hồ sơ xử lý nghiêm các hành vi giao xe hoặc để xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện gây tai nạn; xác định cụ thể các nguyên nhân gây tai nạn và kiến nghị giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

7. Phối hợp tổ chức phân luồng, phòng ngừa, chống ùn tắc giao thông tại các khu vực trọng điểm, các khu vực, tuyến đường quanh khu vực trường học trên địa bàn, nhất là trong các giờ đến lớp và tan học. Kiểm tra, rà soát các bãi gửi xe trái phép gần khu vực trường học để có biện pháp xử lý theo quy định.

8. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với không gian mạng, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các thông tin tác động tiêu cực đến học sinh, thông tin thiếu chuẩn mực, cổ xúy cho các hành vi vi phạm như đua xe, lạng lách, đánh võng; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

9. Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, ATGT. Ưu tiên bố trí kinh phí bảo đảm trật tự, ATGT theo hướng tập trung đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông của các lực lượng chức năng. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh gắn với đề xuất cơ chế hỗ trợ các nhà trường tổ chức phương tiện đưa đón học sinh an toàn”.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các cấp phải xác định công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ quan trọng, là một trong những ưu tiên trong tổng thể công tác bảo đảm trật tự, ATGT, vừa có tính cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục để bảo vệ và xây dựng thế hệ công dân tương lai có văn hóa giao thông văn minh, góp phần phát triển bền vững đất nước.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế

- Rà soát lại các chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trong các cấp học, các nhà trường để tham mưu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm tương xứng với tính chất quan trọng của việc xây dựng văn hóa giao thông cho lứa tuổi học sinh.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh. Trong đó:

+ Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nhà trường, lớp học, từng giáo viên trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh; đưa nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng kỳ, năm học. Tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với các hình thức phù hợp; kiểm điểm, kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm.

[...]