Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 1414/KH-UBND năm 2020 về khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 1414/KH-UBND
Ngày ban hành 12/08/2020
Ngày có hiệu lực 12/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1414/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 12 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN VẬT NỔ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Đặc điểm tình hình

Trong chiến tranh chống Mỹ, tỉnh Quảng Bình là một trong những địa bàn bị đánh phá ác liệt nhất khu vực miền Trung, là tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, vật chất cho chiến trường miền Nam, là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân, hải quân đế quốc Mỹ. Chính vì vậy, Quảng Bình nằm trong số những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam.

Theo số liệu điều tra của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN) thuộc Bộ Tư lệnh Công binh - Bộ Quốc phòng, toàn tỉnh Quảng Bình có 151/151 xã, phường, thị trấn (chiếm 100%) bị ô nhiễm bom mìn với tổng diện tích bị ô nhiễm là 224.934,5 ha, cụ thể:

- Thành phố Đồng Hới: 7.718,5 ha;

- Huyện Minh Hóa: 39.250,5 ha;

- Huyện Tuyên Hóa: 24.258,7 ha;

- Huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn: 19.381,6 ha;

- Huyện Bố Trạch: 38.447,3 ha;

- Huyện Quảng Ninh: 46.038,8 ha;

- Huyện Lệ Thủy: 49.839,1 ha.

Trung bình mỗi mét vuông đất phải gánh chịu 29 kg bom đạn các loại. Số bom mìn, vật nổ chưa nổ hiện còn nằm rải rác trên hầu hết các địa phương của tỉnh. Có quả lộ thiên trên mặt đất nhưng đa số nằm ở độ sâu từ 0,3-5m trong lòng đất, có quả nằm sâu tới hơn 10m. Với mật độ ô nhiễm bom mìn quá lớn, hàng năm, nhiều vụ tai nạn bom mìn đã xảy ra trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê từ năm 1975 đến nay, Quảng Bình có 5.847 người chết và bị thương, phần lớn nạn nhân bom mìn là lao động chính trong gia đình, nhiều nạn nhân tuy sống sót nhưng lại trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hàng năm, tỉnh phải chi hàng trăm tỷ đồng cho cứu chữa, trợ giúp, phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tái định cư cho nạn nhân bom mìn. Toàn tỉnh có 30.960 người khuyết tật, trong đó 4.588 người là nạn nhân bom mìn (số liệu tính đến tháng 10/2019).

Ô nhiễm bom mìn đã gây tác hại đến nhiều mặt của người dân tỉnh Quảng Bình: Diện tích đất ở, đất sinh hoạt, đất canh tác, đất nuôi trồng thuỷ, hải sản; ô nhiễm nguồn nước.... Bên cạnh đó, nhân dân trong mùa nông nhàn ở một số địa phương đã đi dò tìm thu nhặt phế liệu, trong đó có các loại bom mìn, vật nổ về cưa, phá lấy thuốc nổ và phế liệu đem bán, dùng thuốc nổ để đánh bắt cá, huỷ diệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nước và gây ra những vụ mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế xã hội, đời sống, trật tự an toàn xã hội, sức khoẻ cộng đông.

2. Kết quả khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh giai đoạn 2016 - 2020

Theo số liệu thống kê của các Dự án, các tổ chức phi Chính phủ đã thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 3.179 ha, trong đó:

- Dự án MAG đã rà phá được 1.566 ha.

- Dự án Việt Nam-Hàn Quốc (KOICA) đã khảo sát, rà phá được 1.443 ha.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã rà phá được 170 ha.

Tổng số bom đạn vật nổ đã thu và xử lý là 28.194 quả bom đạn, vật nổ các loại (bom 3000LBS: 01 quả; bom 1000LBS: 01 quả; bom 750LBS: 06 quả; bom 500LBS: 23 quả; bom bi các loại: 12.927 quả; các loại đạn pháo, cối và vật nổ các loại: 15.236 quả).

Như vậy, việc triển khai công tác dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Bình là một yêu cầu cấp bách, đầy khó khăn, nguy hiểm và lâu dài, không những gây tổn kém về kinh phí mà còn rất nguy hiểm đối với tính mạng của con người cho nên phải được quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền, các nhà đầu tư các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài mới có thể thực hiện được.

II. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu tổng quát

Làm sạch bom mìn, vật nổ, hướng đến xây dựng tỉnh Quảng Bình không còn bom mìn, vật liệu nổ ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm thiểu số vụ, số người bị tai nạn do bom mìn gây ra trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ nạn nhân bom mìn cải thiện đời sống, hòa nhập cộng đồng.

[...]