Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 136/KH-UBND năm 2020 về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 136/KH-UBND
Ngày ban hành 10/09/2020
Ngày có hiệu lực 10/09/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Lâm Minh Thành
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 136/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 10 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504); Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; Công văn số 2457/BQP-VP ngày 10/7/2020 của Bộ Quốc phòng về việc xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

1. Tình hình chung

a) Tình hình bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên cả nước

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đất đai và con người Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi số lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Số lượng bom mìn, vật nổ đã sử dụng nhiều gấp khoảng 3,9 lần so với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai và gấp 12 lần so với chiến tranh Triều Tiên, bình quân 46 tấn/km2, tương đương 280 kg/đầu người. Theo số liệu tổng kết, riêng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam khoảng 15.350.000 tấn, trong đó có 7.850.000 tấn thả từ máy bay và 7.500.000 tấn sử dụng trên mặt đất (Theo tài liệu của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc phòng). Theo các tài liệu nghiên cứu, tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng (theo các tài liệu nước ngoài là 10%). Như vậy, hiện còn khoảng 800.000 tấn bom mìn, vật nổ của thời kỳ chiến tranh còn nằm lại trong lòng đất trên khắp cả nước, ở các độ sâu khác nhau. Từ khi kết thúc chiến tranh năm 1975 đã có khoảng 38.894 người Việt Nam thiệt mạng và khoảng 65.852 người Việt Nam bị thương bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên cả nước.

b) Tình hình bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh

Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, hướng Bắc giáp hai tỉnh Campốt, Tà Keo của Campuchia; hướng Đông giáp tỉnh An Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ; hướng Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau; hướng Tây giáp với vùng biển Tây. Diện tích tự nhiên 6.348,78 km2, có đường biên giới quốc gia trên đất liền tiếp giáp Campuchia dài trên 56,8 km. Sau chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức nhiều đợt thu gom, xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại; tuy nhiên, chỉ mới dừng ở mức thu gom một phần bom mìn, vật nổ còn vương vãi nằm lộ thiên trên mặt đất để phục vụ cho Nhân dân lao động sản xuất và rà phá bom mìn ở một số nơi cần thiết để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả trong 10 năm (2010-2020) đã thu gom trên 30 tấn bom mìn, vật nổ các loại, xử lý an toàn tuyệt đối, đúng theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Theo kết quả thực hiện Đề án “Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam” tại tỉnh Kiên Giang, do Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn của Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc phòng thực hiện (với sự tư vấn và hỗ trợ về kỹ thuật của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam - VVAF, bằng nguồn vốn tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ), diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh hiện nay là 122.639 ha (diện tích ô nhiễm đã được Bộ Quốc phòng xác nhận).

Với sự ô nhiễm về bom mìn, vật nổ lớn như trên đã gây ảnh hưởng trực tiếp cho các hoạt động xây dựng nhà cửa, các chương trình tái định cư, mở rộng cơ sở hạ tầng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; bom mìn, vật nổ còn ngăn chặn việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; hậu quả của bom mìn, vật nổ còn sót lại chưa nổ không chỉ gây nguy hiểm cho con người, làm thiệt hại về tài sản, mà còn gây ra các tác động xấu về kinh tế - xã hội và môi trường, là nguyên nhân gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng trong lao động sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

c) Thực trạng, nguồn lực và khả năng khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ

- Sử dụng các nguồn vốn, nguồn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách địa phương, vốn doanh nghiệp trong nước và nguồn vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ.

- Tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn có chức năng thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ. Đồng thời tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về rà phá bom mìn, vật nổ và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Kết quả khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh giai đoạn 2016-2020

Giai đoạn 2016-2020, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt phương án kỹ thuật thi công và dự toán để thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ theo Chương trình 504 của Chính phủ, nhằm cải tạo một phần diện tích đất bị ô nhiễm do bom mìn, vật nổ trên địa bàn huyện Giang Thành và thành phố Hà Tiên với diện tích khoảng 3.000 ha (trên 122.639 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ) để phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, hàng năm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức thu gom, phân loại bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh theo Chỉ thị của Tư lệnh Quân khu 9. Kết quả thu gom giai đoạn 2016-2020 = 17,5 tấn các loại.

II. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu tổng quát

- Giai đoạn 2021-2025 tập trung huy động, tổ chức quản lý và sử dụng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên có hiệu quả mọi nguồn lực của địa phương và của quốc gia nhằm thu hẹp diện tích ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra, cải thiện môi trường sông, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân trong tỉnh; tạo mặt bằng an toàn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước an tâm đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

Thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ với độ sâu đến 3m tính từ mặt đất tự nhiên (đáy ao hồ) hiện tại trở xuống. Nhằm cải tạo một phần diện tích đất đai tiến tới cải tạo toàn bộ diện tích đất đai bị ô nhiễm nặng nề do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

III. THỜI GIAN, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG KẾ HOẠCH

1. Thi gian thực hiện

Giai đoạn 2021-2025.

2. Phạm vi hoạt động kế hoạch

Xác định chính xác toàn bộ diện tích đã được điều tra khảo sát mức độ ô nhiễm do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, ưu tiên rà phá theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung cho các huyện, thành phố có diện tích ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh lớn.

Ưu tiên cho các địa bàn xây dựng vùng kinh tế mới, các dự án có tầm chiến lược, vùng kinh tế trọng điểm có quy mô lớn, các điểm giãn dân và các khu vực phát triển tập trung và đông dân cư, khu kinh tế kết hợp với quốc phòng.

[...]