Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 90/KH-UBND năm 2020 về khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ giai đoạn 2021-2025 do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 90/KH-UBND
Ngày ban hành 14/08/2020
Ngày có hiệu lực 14/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Lê Quang Mạnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM, MÌN, VẬT NỔ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh; Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025; Công văn số 2457/BQP-VP ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Bộ Quốc phòng về việc xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Đặc điểm tình hình

a) Tình hình bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn thành phố Cần Thơ:

Kết thúc chiến tranh, thành phố Cần Thơ đã tổ chức nhiều đợt thu gom xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại. Tuy nhiên, chỉ mới dừng ở mức thu nhặt một phần bom mìn, vật nổ còn vương vãi nằm lộ thiên trên mặt đất để phục vụ cho nhân dân an tâm lao động sản xuất; rà phá bom mìn tại một số nơi cần thiết nhằm xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế của thành phố. Kết quả trong 10 năm (2010 - 2020) đã thu gom trên 10 tấn bom mìn, vật nổ các loại; đã xử lý an toàn tuyệt đối và bàn giao về trên đúng quy định.

Theo kết quả thực hiện Đề án “Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam” tại thành phố Cần Thơ do Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn của Bộ Tư lệnh Công binh thực hiện với sự tư vấn và hỗ trợ về kỹ thuật của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF), bằng nguồn vốn tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, diện tích ô nhiễm trên toàn địa bàn thành phố Cần Thơ hiện nay là 43.677 ha chiếm 30,35% diện tích đất của toàn thành phố (143.920 ha) (diện tích ô nhiễm đã được Bộ Quốc phòng xác nhận).

Với sự ô nhiễm về bom mìn, vật nổ lớn như trên đã gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động xây dựng nhà cửa, mở rộng cơ sở hạ tầng, các chương trình tái định cư và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Bom mìn, vật nổ còn ngăn chặn việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hậu quả của bom mìn, vật nổ còn sót lại chưa nổ không chỉ gây nguy hiểm cho con người, làm thiệt hại về tài sản mà còn gây ra các tác động xấu về kinh tế, xã hội và môi trường. Đặc biệt, còn là nguyên nhân gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng trong lao động sản xuất của người dân.

b) Nguồn lực và khả năng khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ:

Sử dụng các nguồn vốn, nguồn hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức phi chính phủ; phối hợp với các cơ quan chuyên môn có chức năng thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn trên địa bàn.

2. Kết quả khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh giai đoạn 2016 - 2020

Trong giai đoạn 2012 - 2015 chuyển sang giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ các công trình xây dựng nhà cửa, mở rộng cơ sở hạ tầng, các chương trình tái định cư và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội nhằm cải tạo một phần diện tích bị ô nhiễm do bom mìn, vật nổ các khu vực thuộc quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy; huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh... với diện tích khoảng 5.000 ha (trên tổng số 43.677 ha bị ô nhiễm do bom mìn, vật nổ) để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại thành phố Cần Thơ (Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ) chưa triển khai thực hiện được do kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

II. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, giai đoạn 2010 - 2025 và Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đối với công tác rà phá bom mìn, vật nổ: Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục thực hiện các dự án rà phá bom mìn, vật nổ giải phóng đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ khoảng 5.000 ha, diện tích còn lại sẽ tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo. Với độ sâu rà phá bom mìn từ 3 - 5m tính từ mặt đất tự nhiên hoặc đáy ao hồ hiện tại trở xuống;

b) Đối với công tác tuyên truyền giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ: Tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị (chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.

III. THỜI GIAN, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG KẾ HOẠCH

1. Thi gian thực hiện

Giai đoạn 2021 - 2025.

2. Phạm vi hoạt động

a) Xác định chính xác toàn bộ diện tích đã được điều tra khảo sát mức độ ô nhiễm do bom mìn, vật nổ còn sót sau chiến tranh cũng như việc cần ưu tiên rà phá bom mìn, vật nổ theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tập trung cho các quận, huyện có diện tích ô nhiễm bom mìn, vật nổ lớn;

b) Ưu tiên cho các công trình xây dựng nhà cửa, mở rộng cơ sở hạ tầng, các chương trình tái định cư, các dự án có tầm chiến lược, vùng kinh tế trọng điểm có quy mô lớn, các điểm giãn dân, các khu vực phát triển tập trung và đông dân cư.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH KẾ HOẠCH

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên và học sinh - sinh viên trên địa bàn toàn thành phố. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo; in ấn tờ rơi kết hợp với các khẩu hiệu, pano áp phích. Thực hiện chính sách hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn bom mìn, vật nổ và nhân dân sống trong các khu vực bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ.

2. Tiếp tục triển khai các dự án rà phá bom mìn, vật nổ kết hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhu cầu sử dụng mặt bằng của nhân dân từ đó xác định được khối lượng, diện tích rà phá.

[...]