Kế hoạch 14/KH-UBND năm 2018 về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới trên địa bàn do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 14/KH-UBND
Ngày ban hành 13/02/2018
Ngày có hiệu lực 13/02/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 13 tháng 02 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DINH DƯỠNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng kế hoạch tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như sau:

I. Cơ sở pháp lý

- Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

- Quyết định 226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn 2030;

- Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020;

- Chỉ thị 46/CT-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới;

- Quyết định số 718/QĐ-BYT ngày 29/01/2018 của Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Dinh dưỡng đến năm 2020.

- Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2012 của tỉnh Ninh Bình về việc Thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015 tầm nhìn đến năm 2020.

II. Tình hình chung

1. Tình hình suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam

Do hậu quả của chiến tranh kéo dài nên Việt Nam đã từng được xếp vào nhóm các nước có tỷ lệ suy dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em cao nhất thế giới. Năm 1985, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi là 51,5%, tức là cứ hai trẻ thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng. Hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ dưới 5 tuổi tính chung cả nước vẫn ở mức cao chiếm 24,6% năm 2015, mỗi năm chỉ giảm được khoảng 1%. Tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em cũng đang gia tăng nhanh, đặc biệt là khu vực thành thị và các thành phố lớn, năm 2015 tỷ lệ này trong toàn quốc ở mức 5,3%. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện như mong đợi, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8%, thiếu kẽm tới 69,4%. Suy dinh dưỡng ở trẻ em đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi cùng với thiếu vi chất dinh dưỡng đã ảnh hưởng lớn tới sự phát triển chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam.

2. Thực trạng về công tác dinh dưỡng tại tỉnh Ninh Bình

Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở trẻ dưới 5 tuổi tỉnh Ninh Bình năm 2000 là 34,7%, đến năm 2015 là 14,3%, năm 2016 giảm còn 14,1%; tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi năm 2000 là 36,2%, đến năm 2015 giảm còn 24,8%, năm 2016 là 24,7%. Năm 2015 tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tỉnh Ninh Bình thừa cân béo phì là 5,2%. Như vậy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hàng năm có giảm nhưng giảm rất chậm đặc biệt là thể thấp còi, các tỷ lệ này vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung của toàn quốc.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em đã được chú trọng đặc biệt là bổ sung dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng nên tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh dưới 2500 gam năm 2017 giảm còn 2%. Có 45% trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. 100% trẻ 6-36 tháng tuổi và trên 90% bà mẹ sau sinh trong vòng tháng đầu được bổ sung vitamin A liều cao.

Công tác dinh dưỡng tiết chế tại bệnh viện còn nhiều hạn chế, có 3/8 bệnh viện tuyến tỉnh thành lập khoa dinh dưỡng, các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện còn lại đã thành lập tổ dinh dưỡng. Tuy nhiên, chỉ có hai khoa lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thực hiện cung cấp suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân.

Năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và bệnh viện còn hạn chế do đa số cán bộ làm công tác dinh dưỡng là kiêm nhiệm, số lượng cán bộ chuyên trách dinh dưỡng rất ít; công tác tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác dinh dưỡng chưa được quan tâm chú trọng, việc đầu tư nguồn lực, kinh phí còn hạn chế.

III. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đến năm 2020 tình hình dinh dưỡng của người dân tỉnh Ninh Bình được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh. Ưu tiên đối tượng trẻ em và bà mẹ phải được nuôi dưỡng chăm sóc hợp lý, đảm bảo chất lượng. Công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đặc biệt là phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi được đẩy mạnh, góp phần vào nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam. Kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phi góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em

- Duy trì tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2500 gam) dưới 3%;

- Phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 12,5% vào năm 2020;

- Phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 21,5% vào năm 2020;

- Khống chế tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 5% năm 2020.

2.2. Cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng

[...]