Kế hoạch 138/KH-UBND năm 2020 thực hiện Quyết định 634/QĐ-TTg do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 138/KH-UBND
Ngày ban hành 11/06/2020
Ngày có hiệu lực 11/06/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Văn Dương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Trách nhiệm hình sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 138/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 11 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 634/QĐ-TTG NGÀY 13/5/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thực hiện Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 13 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc Hội khóa XIV về công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) và vi phạm pháp luật (VPPL), công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án (gọi tắt là Nghị quyết số 96), Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng kế hoạch như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu, yêu cầu chung

- Thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác PCTP, VPPL và công tác thi hành án đã đề ra trong Nghị quyết số 96, góp phần giữ vững an ninh, trật tự (ANTT), kiềm chế gia tăng của tội phạm; tôn trọng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân.

- Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác PCTP, VPPL và công tác thi hành án.

2. Chỉ tiêu cụ thể

- Bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được thụ lý, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%; 100% các vụ, việc có dấu hiệu tội phạm được thụ lý điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số vụ án khởi tố; phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

- Phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng; nâng tỷ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước; nâng tỷ lệ thu hồi, kê biên, phong tỏa tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng đạt trên 60%; 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay và cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết cho cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền; thực hiện nghiêm các quy định về giám định tư pháp, khắc phục tình trạng chậm trễ, nhất là trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

- Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực; giảm ít nhất 5% tai nạn giao thông cả số vụ, số người chết và số người bị thương; hạn chế thấp nhất số vụ cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, các vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Giảm số người bị tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính vì hành vi không cấu thành tội phạm; giảm số đối tượng bị tạm giữ, tạm giam chết thuộc trách nhiệm quản lý của cơ sở giam giữ; khắc phục tình trạng tạm giữ, tạm giam chung người trong cùng vụ án, người dưới 18 tuổi và người trên 18 tuổi; không để người bị tạm giữ, tạm giam trốn; quản lý chặt chẽ người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; hạn chế số người bị kết án phạt tù trốn, phạm nhân chết do đánh nhau, tự gây thương tích, tự sát, VPPL, phạm tội mới trong các cơ sở giam giữ.

- Nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước; bảo đảm ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực; 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật được kiểm tra, đôn đốc thi hành.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 96, gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác đảm bảo ANTT, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; huy động sức mạnh của các ngành, các cấp và toàn dân trong công tác PCTP và VPPL; phát huy vai trò lãnh đạo của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác PCTP, VPPL và công tác thi hành án, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu ở những nơi để xảy ra tội phạm tăng, phức tạp kéo dài, nhưng không có biện pháp giải quyết kịp thời, triệt để; nâng hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác PCTP, VPPL và công tác thi hành án.

2. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các Bộ luật, Luật, nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực tư pháp, bảo đảm các quy định mới được thi hành kịp thời, thống nhất. Thông qua công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, kịp thời kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội và VPPL.

3. Tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm và VPPL

- Gắn chặt công tác PCTP và VPPL với việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục những sơ hở, thiếu sót mà tội phạm có thể lợi dụng để hoạt động.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về công tác PCTP tại cộng đồng dân cư; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng, nhân rộng các mô hình về PCTP, đảm bảo ANTT ở cơ sở như: “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”, “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”; giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo, mâu thuẫn trong Nhân dân, không để phát sinh thành “điểm nóng” về ANTT. Có biện pháp bảo vệ người tố cáo, kịp thời động viên, khen thưởng người có thành tích trong công tác PCTP và VPPL.

- Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, góp phần hạn chế tình trạng tái phạm tội; thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở cơ sở, nhất là đối tượng bị kết án đang ở ngoài xã hội, đối tượng được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người nghiện ma túy.

4. Đẩy mạnh tấn công trấn áp các loại tội phạm và VPPL

- Nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, chủ động xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch chuyên đề, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

- Chủ động phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng; triển khai các giải pháp thu hồi tối đa tài sản tham nhũng và phòng ngừa các đối tượng bỏ trốn và tẩu tán tài sản.

- Thực hiện các giải pháp hạn chế phát sinh đối tượng truy nã mới, nâng cao hiệu quả công tác bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, nhất là số đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế trong phối hợp trao đổi thông tin, xác minh, truy bắt đối tượng truy nã.

- Thường xuyên rà soát, xác định các địa bàn trọng điểm về tội phạm và trật tự an toàn xã hội; huy động cả hệ thống chính trị và người dân tham gia chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội thành địa bàn an toàn, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội, không để hình thành “điểm nóng” về trật tự an toàn xã hội.

5. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm, phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội

- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc áp dụng các biện pháp bắt người, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp điều tra khác; không để xảy ra bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra; không “hành chính hóa” hành vi phạm tội hình sự; rà soát, xác minh các vụ án tạm đình chỉ điều tra, vụ việc tạm đình chỉ giải quyết để xác định căn cứ phục hồi điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý điều tra viên, cán bộ điều tra để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, nhất là công tác giám định tư pháp; nâng cao tính chủ động của các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra theo luật định; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra và Viện Kiểm sát, Tòa án trong điều tra, xử lý tội phạm theo đúng quy định của pháp luật.

[...]