Kế hoạch 48/KH-UBND về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2020 do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 48/KH-UBND
Ngày ban hành 22/01/2020
Ngày có hiệu lực 22/01/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Lê Hồng Vinh
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/KH-UBND

Nghệ An, ngày 22 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM NĂM 2020

Thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đảng viên, cán bộ, chiến sỹ nhằm huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT, tạo môi trường thuận lợi thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; bảo vệ an toàn các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh trong năm 2020, nhất là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XIII của Đảng.

2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh nhằm tiếp tục kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm và tệ nạn xã hội so với năm 2019. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, bắt, giam giữ, xử lý tội phạm, không để xảy ra oan, sai.

3. Việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm phải gắn liền với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nâng cao hơn nữa tính chủ động, sáng tạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội; bảo đảm việc tổ chức triển khai, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm nghiêm túc, đạt hiệu quả cao nhất.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tội phạm, trọng tâm là: Chỉ thị số 46/CT-TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo ANTT trong tình hình mới; Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 11-KL/TW ngày 19/11/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ ANQG và bảo đảm TTATXH trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020...

- Tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết quy định về mức hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh đội trưởng, phó đội trưởng dân phòng và trang bị phương tiện phòng, cháy, chữa cháy cho đội dân phòng trên địa bàn Nghệ An (thay thế Nghị quyết số 55/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh).

- Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án của UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả xóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH; Đề án nâng cao hiệu quả công tác quan lý Nhà nước về tha tù trước thời hạn có điều kiện; Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020; Đề án tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống phản động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2030; triển khai ứng dụng phần mềm hỗ trợ quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh. Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An...

- Tham mưu, chỉ đạo tổ chức sơ, tổng kết các văn bản về công tác phòng, chống tội phạm, như: Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 của Chính phủ; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ ANQG và bảo đảm TTATXH trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016 - 2020”; Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020...

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, sơ, tổng kết công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

2. Công tác phòng ngừa tội phạm

2.1. Công tác phòng ngừa xã hội

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tham gia công tác phòng ngừa tội phạm, góp phần làm giảm các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Trong đó:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, hướng mạnh hơn về cơ sở, nhất là tại các khu vực, địa bàn trọng điểm, nơi có tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội phức tạp...Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới; các nghị quyết liên tịch, kế hoạch phối hợp giữa các ngành về công tác phòng, chống tội phạm...

- Căn cứ tình hình thực tế, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên tuyền cụ thể, thiết thực, tạo chuyển biến thật sự trong nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.

- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6); Ngày toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người (30/7) năm 2020. Trong tháng 6 và tháng 7/2020, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các báo, tạp chí địa phương phải tăng cường phát sóng và đăng tải các thông điệp về phòng chống ma túy, phòng, chống mua bán người. Trong đó, chú trọng tuyên truyền phòng, chống hoạt động buôn bán bào thai sang Trung Quốc; hoạt động đưa người đi lao động trái phép ở nước ngoài; hoạt động vi phạm pháp luật trong sử dụng “bóng cười” trên địa bàn tỉnh...

- Củng cố, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ quần chúng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở theo hướng “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải”. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động tuần tra nhân dân trên các tuyến, địa bàn trọng điểm về ANTT. Quan tâm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyên môn cho lực lượng làm công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở (công an xã, công an viên, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, dân phòng...), nhằm bảo đảm ANTT ngay tại cơ sở.

2.2. Công tác phòng ngừa nghiệp vụ

- Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác quản lý đối tượng có án phạt tù đang ở ngoài xã hội, các đối tượng đặc xá, tù tha về, đối tượng thuộc diện quản lý tại xã, phường, thị trấn, số thanh, thiếu niên càn quấy, trẻ em hư hỏng, làm trái pháp luật, đối tượng có tiền án, tiền sự, có điều kiện, khả năng phạm tội và vi phạm pháp luật. Làm tốt công tác khảo sát, thống kê và quản lý chặt chẽ số người nghiện ma túy trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và cơ sở chữa bệnh bắt buộc và công tác quản lý sau cai tại cộng đồng, góp phần phòng ngừa tội phạm.

- Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhằm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, xây dựng cơ bản, quản lý thị trường, đất đai, môi trường, lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, quản lý người nước ngoài, quản lý internet, không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Tích cực vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Công tác đấu tranh chống tội phạm

- Nâng cao hiệu quả công tác nắm, phân tích, dự báo và xử lý tình hình, nhất là tình hình nổi lên có liên quan đến các địa bàn, tụ điểm phức tạp về hình sự, ma túy, môi trường, tệ nạn xã hội, không để bị động, bất ngờ.

- Tập trung rà soát, đấu tranh quyết liệt với tội phạm hình sự nguy hiểm hoạt động theo băng, ổ nhóm, “núp bóng” doanh nghiệp để thực hiện hành vi “bảo kê”, hoạt động xiết nợ, đòi nợ thuê, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án, tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực “tín dụng”, “phường, hụi”, đấu giá quyền sử dụng đất, không để hình thành tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Kìm giữ, làm giảm tội phạm xâm phạm TTXH ít nhất 03% so với năm 2019; phấn đấu tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án hình sự đạt từ 83% trở lên, trong đó, án rất nghiêm trọng đạt trên 95%, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%; triệt xóa ít nhất 30% ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm; chuyển hóa ít nhất 10 địa bàn trọng điểm phức tạp về TTATXH. Tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn đánh bạc, mại dâm, không để hình thành các tụ điểm “nhức nhối” về tệ nạn xã hội. Tổ chức điều tra, làm rõ các vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn, kịp thời bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội theo đúng quy định của pháp luật.

- Chủ động lập án đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn, xuyên quốc gia; các địa bàn, tụ điểm phức tạp, các điểm sản xuất, tụ điểm sử dụng MTTH, ma túy dạng đá...; phấn đấu triệt xóa ít nhất 20 tụ điểm phức tạp, 250 điểm bán lẻ ma túy; kìm giữ, không để phát sinh mới địa bàn phức tạp về ma túy, làm giảm người nghiện ma túy. Phối hợp thực hiện tốt công tác lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại cộng đồng, phấn đấu vượt ít nhất 20% so với năm 2019; mở rộng quy mô các cơ sở có chức năng cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh.

[...]