Kế hoạch 137/KH-UBND năm 2021 phòng thủ dân sự về ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 137/KH-UBND
Ngày ban hành 25/08/2021
Ngày có hiệu lực 25/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 137/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 25 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG THỦ DÂN SỰ VỀ ỨNG PHÓ THẢM HỌA CHÁY LỚN NHÀ CAO TẦNG, KHU ĐÔ THỊ, KHU CÔNG NGHIỆP, KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng thủ dân sự về ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nâng cao tính chủ động và khả năng sẵn sàng chiến đấu, kịp thời xử lý và nhanh chóng dập tắt các đám cháy xảy ra tại các cơ sở nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân hiểu, nắm vững các quy định của pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào công tác phòng cháy, chữa cháy.

- Kiện toàn tổ chức, phân công trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng liên quan; xây dựng cơ chế chỉ huy điều hành thống nhất, cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và sẵn sàng khả năng huy động ở mức cao nhất các lực lượng tham gia ứng phó với sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Chủ động tuyên truyền, phòng ngừa thảm họa cháy lớn

- Thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi có cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư và chủ động triển khai các biện pháp cứu người, cứu tài sản, biện pháp tự bảo đảm an toàn, phòng tránh và tự thoát nạn khi xảy ra các sự cố cháy lớn.

- Thực hiện nghiêm túc công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu đô thị và khu dân cư khi xây dựng mới hoặc khi cải tạo theo quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ chế độ kiểm tra toàn diện các điều kiện an toàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kịp thời chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp giải quyết những vấn đề nổi lên gây mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhất là các nguy cơ có thể dẫn đến thảm họa cháy lớn; xây dựng, củng cố đội ngũ cộng tác viên bí mật để kịp thời thu thập thông tin về dấu hiệu gây mất an toàn, nguy cơ xảy ra cháy, nổ có thể lan rộng thành thảm họa cháy lớn tại các đối tượng cơ sở, công trình, khu vực dân cư đã được dự báo, xác định nêu trên để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, xử lý, ngăn chặn.

2. Xác định mức độ thảm họa cháy lớn để phân cấp ứng phó

a) Xác định mức độ thảm họa cháy lớn

Căn cứ nguyên nhân dẫn đến thảm họa cháy lớn do chiến tranh hoặc do tự nhiên tác động (động đất, sét đánh và bão lớn) hay sự cố kỹ thuật, con người gây ra cần dự báo, xác định mức độ thảm họa như sau:

- Mức độ 1: Cháy, nổ xảy ra trên diện rộng và gây sập đổ nhiều nhà, công trình hoặc hạng mục công trình có hàng trăm người chết, bị thương và bị mắc kẹt trong khu vực xảy ra mà cần huy động nhanh chóng, tổng lực các lực lượng, phương tiện của tỉnh tham gia xử lý (bao gồm các lực lượng trong Công an tỉnh; các cơ quan, tổ chức, cơ sở trên địa bàn tỉnh và lực lượng Quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh).

- Mức độ 2: Cháy, nổ xảy ra ở mức độ 1 nhưng vẫn tiếp tục phát triển phức tạp, có nguy cơ gây cháy, nổ trên diện rộng hơn, kèm theo nhiều khói khí, hơi độc hại và còn nhiều người bị mắc kẹt mà vượt quá khả năng xử lý của các lực lượng, phương tiện của tỉnh và cần huy động lực lượng, phương tiện của Công an các tỉnh lân cận, các đơn vị Quân đội, các Bộ, ngành chức năng có liên quan.

Từ các mức độ thảm họa dự báo nêu trên cần xác định phạm vi, quy mô thảm họa cháy lớn đối với từng loại hình cụ thể để nghiên cứu, xây dựng phương án ứng phó như sau:

- Thảm họa cháy lớn nhà cao tầng: Đám cháy xảy ra ở nhà cao tầng làm sập đổ một số hạng mục, căn phòng gây thương vong, mắc kẹt đối với hàng trăm người ở các tầng từ tầng 15 trở lên (chưa kể số người thương vong, mắc kẹt ở các tầng đang xảy ra cháy, nổ) hoặc cùng xảy ra đồng thời tại 02 tòa nhà cao tầng trong cụm nhà cao tầng mà có hàng trăm người thương vong, bị mắc kẹt ở các tầng từ tầng 10 trở lên.

- Thảm họa cháy lớn trong khu công nghiệp: Đám cháy xảy ra nhanh chóng lan ra toàn bộ cơ sở với hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn m2, gây sập đổ một số nhà xưởng do cháy, nổ và đã lan sang một phần của cơ sở lân cận, làm hàng trăm người bị thương vong, mắc kẹt trong khu vực cháy, nổ do bị tác động của cháy, nổ và hơi, khí độc hại phát tán ra môi trường xung quanh khu vực xảy ra mà các lực lượng, phương tiện trong khu công nghiệp và các đơn vị Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đầu tiên có mặt nhưng không thể khống chế được đám cháy.

- Thảm họa cháy lớn khu đô thị, khu dân cư: Đám cháy lan nhanh ra hàng trăm căn nhà và công trình ở khu đô thị tập trung kinh doanh buôn bán hàng hóa, khu dân cư tập trung nhiều nhà làm bằng vật liệu dễ cháy (gỗ, nhựa tổng hợp, vải, mút xốp, xăng, dầu, dung môi…) có kết hợp sản xuất, kinh doanh hoặc khu phố chợ mà tại khu vực xảy ra cháy có nhiều người bị thương vong, mắc kẹt trong nhà, công trình. Khi lực lượng, phương tiện trên địa bàn cấp huyện nơi xảy ra và các đơn vị Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đầu tiên có mặt nhưng không thể khống chế mà đám cháy tiếp tục lan rộng, kèm theo các yếu tố nổ (khí gas, xăng dầu…), sập đổ nhà gây nguy hiểm cho nhiều người trên diện rộng.

b) Xác định nguyên nhân gây ra thảm họa cháy lớn

- Do vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy.

- Do thiên tai, động đất; do khủng bố, bạo loạn gây rối.

- Do địch tấn công bằng vũ khí thông thường hoặc nguyên nhân khác theo quy định về phòng thủ dân sự.

c) Phân cấp ứng phó thảm họa cháy lớn

- Khi xảy ra thảm họa cháy lớn mức độ 1: Công an tỉnh chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức huy động lực lượng, phương tiện ứng phó. Trường hợp thảm họa cháy lớn vượt quá khả năng và xét thấy cần thiết thì Công an tỉnh kịp thời tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo, đề nghị Bộ Công an hỗ trợ, huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó thảm họa cháy lớn.

- Khi xảy ra thảm họa cháy lớn mức độ 2: Bộ Công an chủ trì. Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương khác tham gia ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

3. Xác định trọng điểm có thể xảy ra thảm họa cháy lớn

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ