Kế hoạch 1364/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 1364/KH-UBND
Ngày ban hành 20/09/2021
Ngày có hiệu lực 20/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Kpă Thuyên
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1364/KH-UBND

Gia Lai, ngày 20 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC KINH DOANH TIÊU THỤ NÔNG SẢN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; văn bản số 2414/BCT-TTTN ngày 29/4/2021 của Bộ Công Thương về việc thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ;

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai như sau:

A- ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHƯƠNG THỨC TIÊU THỤ NÔNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Thuận lợi:

Gia Lai là tỉnh có diện tích đất canh tác nông nghiệp rộng lớn, màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, dồi dào về độ ẩm, có lượng mưa lớn, có nhiều sông suối, thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng. Ngành nông nghiệp của tỉnh hiện có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, các loại trái cây1, .. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng có tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh tương đối lớn so với các địa phương khác của cả nước2.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, gắn với tái cơ cấu ngành với đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm tăng năng suất, sản lượng; chất lượng nông sản dần đáp ứng yêu cầu của thị trường3.

Đa số các loại nông sản chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, mía, sắn... có diện tích canh tác lớn đã có nhà máy chế biến4 tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Một số sản phẩm nông nghiệp như mía, hạt điều, cao su, sắn, chè đã hình thành liên kết sản xuất, có tỷ lệ chế biến cao5.

Ngoài ra, hình thành một số mô hình liên kết tiêu thụ nông sản, sản phẩm chăn nuôi giữa hộ nông dân - trang trại, hợp tác xã - doanh nghiệp áp dụng các quy trình sản xuất, chăn nuôi khép kín, qua đó, làm tăng giá trị, ổn định đầu ra, kiểm soát được dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường6.

Hầu hết các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh là liên kết sản xuất gắn với thu mua nông sản giữa các bên như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân; với tổng diện tích cây trồng khoảng 140.284 ha và tổng sản lượng đạt 789.078 tấn (lợn, gà). Các bên liên kết gồm 31 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, 04 trang trại, 11.862 hộ dân và có 21 doanh nghiệp tham gia7. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã quan tâm hơn đến việc sử dụng mã số vạch, bước đầu xây dựng được thương hiệu cho một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh8.

Hàng hóa hiện nay được tiêu thụ chủ yếu qua kênh truyền thống (không qua liên kết, hợp đồng sản xuất), thông qua mạng lưới chợ gồm 94 chợ các loại (01 chợ hạng I, 12 chợ hạng II, 69 chợ hạng III, 12 chợ tạm; 19 siêu thị gồm 10 siêu thị chuyên doanh, 09 siêu thị tổng hợp); 02 tổng đại lý, 05 thương nhân đầu mối, 07 thương nhân phân phối, 407 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, trong điều kiện nước ta đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do với các nước, khu vực trên thế giới như: FTA, EVFTA... và thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra có nhiều điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để mở rộng sản xuất, thị trường xuất khẩu nông sản với thuế suất ưu đãi và không phụ thuộc vào một số đối tác, thị trường truyền thống như trước đây.

2. Khó khăn, hạn chế:

Trong điều kiện các nước tăng cường bảo hộ nền kinh tế trong nước và dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, ngoài việc sản xuất nông sản đạt chuẩn, việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản bền vững, liên kết chặt chẽ có vai trò thiết yếu, quan trọng, góp phần dự báo nhu cầu thị trường, định hướng sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, việc tổ chức các kênh tiêu thụ hông sản trên địa bàn tỉnh phần lớn là tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, tổ chức kém và thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí sản xuất cho nông dân, gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng, đảm bảo điều kiện để lưu thông, xuất khẩu. Do đó, các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn của tỉnh liên tục gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá cả xuống thấp, thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”.

Mặt hàng cà phê, hạt tiêu là một trong các nông sản chủ lực của tỉnh có diện tích canh tác lớn nhưng tỷ lệ chế biến thấp9, chủ yếu là sơ chế đánh bóng và xuất thô, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Mặt hàng trái cây, rau, củ, quả là loại nông sản mới, đã có một số nhà máy chế biến sâu nhưng có diện tích vùng nguyên liệu còn nhỏ lẻ10. Quy mô các mô hình liên kết nêu trên chỉ là các mô hình liên kết tự phát giữa các doanh nghiệp với hộ dân, giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã và giữa các hợp tác xã với hộ dân sản xuất11.

Cơ sở hạ tầng thương mại tuy cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân nhưng chất lượng hạ tầng chưa tốt, số lượng còn ít và phân bố không đều (tập trung tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố) chưa có chợ đầu mối đạt chuẩn thực hiện phát luồng hàng hóa đến các cơ sở chế biến, các nhà xuất khẩu, gắn với thị trường bán lẻ trong và ngoài tỉnh, số lượng siêu thị hạng II còn ít (03 siêu thị), chưa có siêu thị hạng I, sức ảnh hưởng của các siêu thị lên thị trường còn thấp, chưa thể hiện được thế mạnh, vai trò của siêu thị trong kênh phân phối. Số lượng cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini không nhiều, phân bố không đều, mức giá sản phẩm còn cao so với mặt bằng chung của thị trường.

Đa phần nông sản được tiêu thụ qua các kênh truyền thống, qua thương lái và xuất thô, chưa bám sát diễn biến, quy luật thị trường.

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả chưa đồng đều, việc triển khai thực hiện cánh đồng lớn, xây dựng hợp tác xã kiểu mới vẫn còn nhiều khó khăn.

Việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các nhà phân phối, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế, chưa kết hợp được với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững12.

Các yêu cầu cao về tiêu chuẩn sản xuất, nguồn gốc, thương hiệu, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn mác, bao bì, vệ sinh dịch tễ, bảo vệ môi trường ... cho thị trường xuất khẩu chưa được quan tâm, định hướng, thực hiện đồng bộ, bài bản.

3. Nguyên nhân:

a) Nguyên nhân khách quan:

- Tập quán canh tác lạc hậu, trong khi nhu cầu của thị trường thay đổi và yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng ngày càng cao.

- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và bất ổn trong chính sách của các nhà nhập khẩu.

b) Nguyên nhân chủ quan:

[...]